Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp

'Đổi mới sáng tạo - vì một tương lai xanh' là chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020, với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng nói chung, doanh nghiệp nói riêng trong đổi mới sáng tạo cũng như phát huy quyền sở hữu trí tuệ, vì sự phát triển bền vững.

Phóng viên Báo Hànôịmới đã phỏng vấn ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) về những việc đã và đang triển khai, nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

- Phát huy quyền sở hữu trí tuệ, tích cực đổi mới sáng tạo, vì một tương lai xanh là câu chuyện được nhắc đến trong nhiều năm qua. Xin ông cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã có những hành động gì để phát huy hiệu quả điều này?

- Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, chủ động đổi mới sáng tạo, vì tương lai xanh lại là “chìa khóa” đưa doanh nghiệp đến với những thành công mới. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù chưa có nhiều lợi thế về năng lực tài chính, vẫn ý thức rất lớn về điều này mà chủ động đầu tư, nhằm xây dựng nền tảng sản xuất, kinh doanh bền vững, thể hiện trách nhiệm chung tay vì tương lai xanh cho cả cộng đồng.

Có thể kể đến Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng E - Power, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thiết kế và thi công vật liệu xây dựng, với hệ thống bảo hộ bằng độc quyền sáng chế, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển, phổ biến công nghệ thân thiện với môi trường. Tổng công ty May 10 triển khai trí tuệ nhân tạo AI cũng như tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch trong sản xuất... Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang từng bước đầu tư cho công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường..., góp phần tạo ra các sản phẩm hữu ích, hấp dẫn, khẳng định uy tín thương mại từ chính ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

- Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp có vai trò tập hợp, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố, Hiệp hội đã có những chương trình, hành động gì để khuyến nghị, định hướng, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp hướng đến mục tiêu này, thưa ông?

- Là tổ chức hội chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho hơn 2.300 hội viên, Hanoisme luôn đề cao vai trò của quyền sở hữu trí tuệ cũng như đổi mới sáng tạo đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các thành viên trong Hiệp hội, coi đây là kim chỉ nam trên lộ trình xây dựng tương lai xanh với mục tiêu phát triển bền vững.

Nhiều năm qua, Hiệp hội đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng nhiều sở, ngành liên quan khác định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành viên tiếp cận các dự án đổi mới công nghệ và thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm điều kiện “xanh” từ sản xuất đến tiêu dùng. Tiêu biểu như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội; mô hình tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp; dự án khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống pin mặt trời áp mái...

Hanoisme cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ; tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Trong năm 2020, Hiệp hội dự kiến tổ chức 4 cuộc đối thoại với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực: Công thương, đầu tư, ngân hàng, nông nghiệp, nhằm nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ giải đáp những khó khăn, vướng mắc quanh các nội dung này.

- Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Đổi mới sáng tạo - vì một tương lai xanh”, tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với vấn đề xây dựng tương lai xanh cho mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?

- Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn, xem rác thải là nguồn nguyên liệu mới để sản xuất; học hỏi khả năng tái tạo và tuần hoàn của thiên nhiên; nhận thức mọi tài nguyên đều giới hạn, để sản xuất dựa trên giới hạn đó; ý thức về cộng sinh công nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn... Các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong đầu tư chuyên sâu, từ hệ thống thiết bị công nghệ, máy móc, nhà xưởng... đến quy trình sản xuất, theo đúng quy định về môi trường của các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế về vốn. Mong rằng, các cấp, ngành sớm có những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng sử dụng công nghệ sạch; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ thống phân phối xanh, thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường; nghiên cứu và đề xuất cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó, đưa các doanh nghiệp chuyển đổi từ sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường vào danh mục được vay vốn ưu đãi...

Với sự chung tay này, thông điệp “Đổi mới sáng tạo - vì tương lai xanh” của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay sẽ còn tiếp tục phát huy sức lan tỏa, tạo thành động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, làm giàu tài sản trí tuệ - nguồn tài nguyên, góp phần tạo dựng, củng cố tương lai xanh cho tất cả mọi người.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/965898/dong-luc-thuc-day-doi-moi-sang-tao-cho-doanh-nghiep