Dòng margin lãi suất thấp âm thầm nhập cuộc

Dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin) lâu nay vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhất là khi các công ty chứng khoán (CTCK) đang áp dụng mức lãi suất hấp dẫn hơn.

Khi đặt vấn đề vay margin, nhà đầu tư thường quan tâm nhiều hơn đến cơ hội mua cổ phiếu nhưng ở những thời điểm thị trường khó khăn, lãi suất là một yếu tố nhà đầu tư cân nhắc kỹ

Khi đặt vấn đề vay margin, nhà đầu tư thường quan tâm nhiều hơn đến cơ hội mua cổ phiếu nhưng ở những thời điểm thị trường khó khăn, lãi suất là một yếu tố nhà đầu tư cân nhắc kỹ

Dư nợ margin giảm

So với thời điểm cuối quý III/2018, dư nợ margin ở thời điểm hiện tại (ngày 25/10) có xu hướng giảm nhẹ. CTCK TP.HCM (HSC) cho biết, dư nợ margin tại Công ty hiện vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương với thời điểm VN-Index tạo đáy 880 điểm vào tháng 7/2018, dù trước đó từng đạt đỉnh hơn 5.000 tỷ đồng.

Tương tự, so với những thời điểm lên đến xấp xỉ 6.000 tỷ đồng (tháng 4/2018), hiện dư nợ margin của SSI đang dao động ở mức 4.800 tỷ đồng. Một số CTCK có dư nợ margin nghìn tỷ như VCSC, VNDIRECT, MBS, BVSC… cũng cho biết, con số này đang giảm nhẹ.

Diễn biến này là điều dễ hiểu, bởi tại thời điểm thị trường không mấy tích cực như hiện nay, một số CTCK có quan điểm thắt chặt hơn, thể hiện ở việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay theo hướng giảm đối với một số cổ phiếu. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà đầu tư không quá mạo hiểm để vay margin nhiều hơn.

Đáng chú ý, trong những phiên điều chỉnh gần đây, hiện tượng giải chấp cổ phiếu tuy có diễn ra nhưng không quá nhiều. Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một CTCK lớn cho biết:

“Ở những phiên giảm mạnh vừa qua, Công ty chỉ thực hiện giải chấp một vài tỷ đồng. Con số này không đáng kể so với những thời điểm một phiên phải giải chấp đến hơn chục tỷ đồng. Hơn nữa, bản thân nhà đầu tư cũng tự thấy rủi ro cần phải bán nên không đến mức các CTCK phải can thiệp giải chấp”.

Ảnh: Dũng Minh

Thực tế, một điểm khiến thị trường không còn quá e ngại với hiện tượng giải chấp là việc phần lớn nhà đầu tư có nhu cầu vay margin với những cổ phiếu bluechip, mà nhóm này dù điều chỉnh mạnh, nhưng vẫn đang trong tỷ lệ giới hạn cho phép.

Nhận định về tình hình hiện tại, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, ở giai đoạn 2014 - 2015, margin chủ yếu sôi động đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ, vì thế nên rủi ro khá cao và nhiều CTCK lớn không mặn mà.

Trong khi đó, ở thời điểm 2017 - 2018, margin chủ yếu áp dụng đối với những cổ phiếu bluechip, vì vậy tính rủi ro thấp hơn.

Một số nhà đầu tư chia sẻ, nhu cầu vay margin luôn có, nhưng vốn vay sẽ mang lại hiệu quả khi TTCK bước vào thời kỳ giao dịch sôi động và giá có xu hướng tăng.

Từ đầu tháng 10 trở lại đây, thị trường diễn biến giảm theo xu hướng khó đoán định, nên nhà đầu tư trở nên e dè trong việc sử dụng margin.

Cạnh tranh lãi suất margin

Khi đặt vấn đề vay margin, nhà đầu tư thường quan tâm nhiều hơn đến cơ hội mua cổ phiếu. Tuy nhiên, ở những thời điểm thị trường khó khăn, lãi suất là một yếu tố nhà đầu tư cân nhắc kỹ.

Dù lãi suất huy động đang có xu hướng gia tăng, nhưng các CTCK cho biết, họ đang áp dụng lãi suất cho vay margin ở mức khá cạnh trạnh, phổ biến vào khoảng 12% - 14%/năm, tùy vào hạn mức, cũng như thời gian vay.

Bên cạnh đó, các sản phẩm margin cũng được nhiều CTCK thiết kế mới nhằm mục tiêu đa dạng sản phẩm giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư.

Đơn cử, CTCK VNDRIECT cho biết, Công ty đang áp dụng mức lãi suất cho vay 13,5%/năm và thay đổi theo từng thời kỳ. Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn với hạn mức cấp lần đầu 5 tỷ đồng và xét tăng hạn mức trong quá trình giao dịch.

Biên độ lãi suất margin cũng được nhiều CTCK nới khá rộng từ 9,9% đến 15%/năm, tùy vào đối tượng khách hàng, cũng như thỏa thuận của các bên.

Thời điểm 2017 - 2018, margin chủ yếu áp dụng đối với những cổ phiếu bluechip, vì vậy tính rủi ro thấp hơn.

So với các CTCK trong nước, CTCK ngoại có lợi thế hơn trong việc đưa ra các mức lãi suất cho vay hấp dẫn. Các CTCK có vốn ngoại có sự hỗ trợ vốn của các tập đoàn nước ngoài khi được hưởng lãi suất cho vay khá ưu đãi, dao động từ 3,5 – 4,5%/năm, nếu cộng thêm 1% bảo hiểm tỷ giá thì mức tối đa chỉ là 5%/năm.

Còn CTCK trong nước chủ yếu vay huy động hoặc thông qua phát hành trái doanh nghiệp. Chưa kể, các CTCK có định mức tín nhiệm thấp thường khó khăn hơn trong việc vay vốn ngân hàng, cũng như chịu mức lãi suất cao hơn so với những CTCK có định mức tín nhiệm cao.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết, KBSV là công ty thành viên được sở hữu tới 99,6% bởi Tập đoàn KBFG nên đang được thừa hưởng những lợi thế cạnh tranh tích cực, đồng thời có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ.

Nhờ vậy, margin là một nghiệp vụ quan trọng Công ty đang tập trung phát triển. Hiện tại, KBSV đang thiết kế những gói margin có mức ưu đãi cao, nhất là với những khách hàng mới mở tài khoản.

Trong đó có gói margin với lãi suất chỉ 8,5%/năm, phí giao dịch 0,15% với tổng hạn mức cho vay lên đến 300 tỷ đồng. Dự kiến đầu tháng 11 tới, KBSV tiếp tục triển khai sản phẩm margin mới với mức lãi suất 9,5%/năm và áp dụng cho danh mục 80 cổ phiếu cũng với hạn mức 300 tỷ đồng.

Tại CTCK Yuanta Việt Nam, mức lãi suất margin hiện đang áp dụng phổ biến từ mức 10% đến 11%/năm đối với khách hàng nhỏ, khách hàng VIP sẽ có mức ưu đãi riêng. Hay Maybank KimEng đang áp dụng mức lãi suất trên dưới 10%/năm, tùy vào từng sản phẩm...

Theo đó, bài toán cạnh tranh về lãi suất margin sẽ ngày càng “nóng”, buộc các CTCK phải tính toán kỹ, đặc biệt là khi lượng tiền margin có mức lãi suất thấp đang sẵn sàng “nhập cuộc” với thị trường.

Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/dong-margin-lai-suat-thap-am-tham-nhap-cuoc-246867.html