Đồng minh quan tâm hành lang vận tải Bắc - Nam của Nga bất chấp phương Tây đe dọa

Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam là dự án do Nga đề xuất nhằm vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Ý tưởng thiết lập một hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam do Nga đề xuất đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ tờ báo tiếng Anh nổi tiếng của Nhật Bản - Japan Times.

Các nhà phân tích của ấn phẩm Japan Times đã nhấn mạnh tầm quan trọng vô cùng lớn của những tuyến đường thương mại quốc tế mới nhằm chiếm lĩnh không gian rộng lớn của lục địa Á - Âu.

Theo nhận xét, tuyến đường vận tải Bắc - Nam mới cực kỳ quan trọng đối với Nga trong việc vượt qua những biện pháp trừng phạt. Mới đây Nga đã đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng giao thông của Iran, khi đây hiện là nút thắt của toàn bộ dự án.

Lợi thế lớn nhất mà hành lang vận tải quốc tế Bắc Nam mang lại là sự độc lập hoàn toàn về mặt địa lý, khiến nó thoát khỏi sự ngăn cản từ phương Tây, mặc dù vậy tuyến giao thông nói trên vẫn phải đối mặt với các rủi ro khu vực.

"Các luồng vận tải hàng hóa từ Nga đi qua Iran và Tuyến đường biển phương Bắc có thể giúp đẩy mạnh quá trình xoay trục của Moskva sang các cường quốc châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời rời xa châu Âu".

"Những điểm đến mới có khả năng biến Nga trở thành trung tâm của phần lớn hoạt động thương mại quốc tế, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tìm mọi cách cô lập Moskva", tờ Japans Times nhấn mạnh.

Hành lang Bắc - Nam có thể tiết kiệm thời gian vận tải từ 30% đến 50% so với đi qua kênh đào Suez và tránh các vấn đề an ninh tại Biển Đỏ khi lực lượng vũ trang Houthi vẫn tấn công tàu chở hàng thương mại với mục đích ép Israel ngừng cuộc chiến tại Dải Gaza.

Vào thời điểm hiện nay, trong khi Mỹ và đối tác tỏ ý không chấp nhận tuyến đường thương mại mới được Nga thúc đẩy, dù có cơ hội tiết kiệm chi phí vận tải rất nhiều thì một vài nền kinh tế lớn nhất châu Á cùng với khu vực Vịnh Ba Tư lại tỏ ra cực kỳ quan tâm.

Tuy nhiên những tuyến đường mới mà Nga đề xuất vẫn còn đó những trở ngại nghiêm trọng, ví dụ như đối với hành lang vận tải Bắc - Nam thì rắc rối nằm ở cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển của Iran.

Trong khi đó, đối với Tuyến đường biển phương Bắc, hành lang giao thông nói trên sẽ bị cản trở bởi băng ở Bắc Cực, khi đây vẫn là một trở ngại rất lớn cho tàu thuyền muốn đi qua, bất chấp tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu khiến băng tan nhiều hơn.

"Tuy vậy theo Ngân hàng Phát triển Á - Âu, công suất của hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam, bao gồm cả khu vực Trung Á và Biển Caspian có thể tăng 85%, lên mức 35 triệu tấn hàng hóa vào thời điểm năm 2030".

"Tuyến giao thông mới sẽ kết nối Nga với Iran và Ấn Độ, thậm chí cả phần còn lại của Nam Á, Vịnh Ba Tư và Châu Phi. Tháng 8/2023, Nga đã gửi chuyến tàu chở hàng đầu tiên tới Saudi Arabia", tờ Japan Times cho biết.

Điều này cũng có nghĩa là ngày càng nhiều quốc gia đối nghịch đứng trước cơ hội thoát khỏi sự khống chế trực tiếp của phương Tây bằng cách sử dụng tuyến đường thương mại thay thế.

Phương Tây khi cố gắng duy trì vị thế của mình và cản trở Nga đang cố gắng phá hủy hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước có ý định tham gia, cho nên thách thức với Moskva vẫn còn rất lớn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-minh-quan-tam-hanh-lang-van-tai-bac-nam-cua-nga-bat-chap-phuong-tay-de-doa-post574890.antd