Đồng Nai bị 'nhắc' liên tục về xử lý bức xúc của Công ty Bảo Khang

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã liên tục có văn bản yêu cầu tỉnh Đồng Nai giải quyết đơn khiếu nại của Công ty TNHH Thực phẩm Bảo Khang (Công ty Bảo Khang, huyện Trảng Bom - Đồng Nai).

Mảnh đất Công ty Bảo Khang lúc bị cưỡng chế tan hoang.

Phải liên tục yêu cầu mới "động đậy"

Văn bản mới nhất là số 9356 ngày 27/9/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét xử lý và trả lời đơn khiếu nại của Công ty Bảo Khang.

Không chỉ vậy, ngày 20/9/2018, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản số 9028 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Đồng Nai có biện pháp giải quyết đơn của Công ty Bảo Khang.

Trước đó nữa, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - sau khi tiếp nhận đơn của Công ty Bảo Khang, đã có chỉ đạo ngày 13.8.2018 chuyển đơn đề nghị Đồng Nai xử lý theo thẩm quyền.

Trước hàng loạt văn bản nêu trên, mới đây, ngày 13/11/2018, Sở TNMT tỉnh Đồng Nai đã gửi giấy mời Công ty Bảo Khang và các bên liên quan lên làm việc, rà soát để giải quyết vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp lay lắt trên mảnh đất của mình

Theo đơn kêu cứu, hiện Công ty Bảo Khang chỉ còn lay lắt ở một góc trụ sở mình. Chủ tịch HĐQT đi kêu cứu khắp nơi. Nguyên nhân, Công ty này cho rằng việc cơ quan chức năng Đồng Nai ra quyết định một đằng, thu hồi đất một nẻo.

Cụ thể, sau khi mua 2 thửa đất số 269 và 270 với tổng diện tích gần 6.000m2 tại xã Bắc Sơn huyện Trảng Bom (Đồng Nai), năm 2000, ông Tiết Chí Hòa (ngụ quận 6, TPHCM) cùng các thành viên lập Công ty Bảo Khang ở mảnh đất trên. Ông Hòa được bầu làm Chủ tịch HĐTV Công ty Bảo Khang.

Tháng 9/2004, ông Ao Văn Thinh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ) ký quyết định 4158 thu hồi hơn 35.000m2 đất ở khu vực này để giao cho Công ty liên doanh phát triển KCN Sông Mây (Công ty Sông Mây) xây dựng khu phố chợ.

Đáng nói, theo quyết định, vị trí mà UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi đất là “thửa 548, tờ bản đồ số 11” do Phòng TNMT huyện Trảng Bom và Sở TNMT Đồng Nai ký xác nhận năm 2004. Còn đất của Công ty Bảo Khang thuộc thửa 269 và 270, không thuộc phạm vi bị thu hồi.

Nhưng tới cuối năm, UBND huyện Trảng Bom mời ông Hòa lên nhận hơn 51 triệu đồng tiền bồi thường do đất bị UBND tỉnh thu hồi. Thấy phi lý, ông Hòa khiếu nại UBND tỉnh Đồng Nai. Trong khi tỉnh chưa có trả lời, lập tức vị Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Khang lĩnh ngay 2 “trát” xử phạt vi phạm hành chính với lý do không chấp hành quyết định thu hồi đất. Đầu năm 2006, diện tích đất trên của Công ty Bảo Khang bị cưỡng chế giao cho Công ty Sông Mây.

Quyết định "chữa cháy"

Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Khang kiện UBND tỉnh Đồng Nai ra tòa. Tại bản án số 04/2009, TAND tỉnh Đồng Nai nhận định, việc ban hành quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh này là vi phạm quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và thẩm quyền ban hành. Bởi thẩm quyền này thuộc huyện Trảng Bom.

Một góc khu phố chợ, nơi mảnh đất Công ty Bảo Khang cũ.

Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định 2989 trả lại quyền cho UBND huyện Trảng Bom. Năm 2010, UBND huyện Trảng Bom ra quyết định 311 thu hồi đất của ông Hòa .

Quyết định này gây cảnh ngược quy trình khi đất đã cưỡng chế rồi xử phạt từ năm 2006 nhưng 4 năm sau mới có quyết định thu hồi.

Quyết định "chữa cháy" của huyện Trảng Bom lại cũng trật đối tượng được giao đất, thay vì Công ty Sông Mây thì lại ghi “do Công ty TNHH Bảo Giang làm chủ đầu tư”. Tới tháng 3.2010, UBND huyện phải đính chính quyết định cũ.

Nhưng trong phần xác định vị trí, ranh giới khu đất thu hồi theo quyết định 2989 của UBND tỉnh Đồng Nai lại không hề có tên hai thửa 269 và 270. Nên quyết định "chữa cháy" của UBND huyện Trảng Bom nêu đích danh hai thửa đất bị thu hồi là 269 và 270 của Công ty Bảo Khang cũng thiếu cơ sở.

Với quá nhiều phi lý trên, vị Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Khang đã kêu cứu suốt nhiều năm trời.

Theo Lao Động

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/dong-nai-bi-nhac-lien-tuc-ve-xu-ly-buc-xuc-cua-cong-ty-bao-khang-3480379.html