Đồng Nai: Doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Sáng ngày 3/8/2023, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Họp báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Đồng Nai, ngày 3/8/2023.

Về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp là do thiếu hụt đơn hàng sản xuất. Chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường xã hội còn chậm, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như: dệt, may mặc, sản xuất da và giầy da, hóa chất, sản phẩm điển tử, giường, tủ, bàn ghế…

Ông Nguyên Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì họp báo sáng ngày 3/8/2023.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm công nông còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đa số có quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, quy cách sản phẩm, chứng nhận an toàn thực phẩm, kinh nghiệm thương trường và năng lực cạnh tranh chưa cao.

Nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các Sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh chú trọng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) của Chính phủ và Nghị quyết số 08/NQ-TU (ngày 8/12/2022) của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và các nhiệm vụ về phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao tốc Dầu Giây - Tân phú, Vành đai 3, Vàng đai 4, đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp, công tác thu hút các dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải ngân vốn đầu tư công…

Tập trung nhiều câu hỏi về thực hiện các dự án

Tại buổi họp báo, một số phóng viên trình bày với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về dự án xây dựng cầu Cát Lái, hơn 20 năm rồi đến nay việc triển khai xây dựng dự án này như thế nào? Về việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 như thế nào, việc di dời các nhà máy ở đây ra sao?

Đồng Nai liên tiếp xảy ra tình trạng ngập lụt ở TP Biên Hòa. Trước đây Đồng Nai có những dự án chi hàng trăm tỷ đồng để thực hiện chống ngập, đến nay vẫn tái ngập, xin cho biết Đồng Nai có dự án nào căn cơ để giải quyết vấn đề chống ngập hay không?

Hiện có nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang, hướng xử lý sắp tới như thế nào? Đồng Nai di dời gần 10.000 cơ sở chăn nuôi để tránh gây ô nhiễm môi trường, cho đến nay việc thực hiện di đời này như thế nào?

Việc xây dựng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có những đơn vị chủ đầu khai thác đất để phục vụ công trình dự án nhưng sai phạm trong các quy định cấp phép, khai thác đất vượt quá quy định, việc xử lý những sai phạm này như thế nào?

Việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 để thực hiện xây dựng trung tâm hàng chính của tỉnh Đồng Nai, việc di đời các doanh nghiệp thực hiện ra sao?

Quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc người dân các khu vực ven lòng hồ Trị An kinh doanh phát triển du lịch sinh thái? Số lượng doanh nghiệp giải thể và tình hình thất nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay?...

Tích cực chống ngập, phát triển đô thị du lịch

Trả lời một số vấn đề báo chí đặt ra, ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân ngập thì đã rõ, tốc độ đô thị hóa ở Đồng Nai hiện nay rất nhanh, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ. Trong thời gian qua tồn tạo 39 điểm ngập ở TP Biên Hòa, TP Long Khánh và các huyện. Còn giải pháp lâu dài, ở TP Biên Hòa có các điểm ngập đã và đang thực hiện, như ở điểm ngập phường Trảng Dài, chợ Long Bình Tân…

Động thái ghi nhận ở TP Biên Hòa hiện đã và đang tích cực chống ngập. Những dự án chống ngập trong thời gian tới, trong các dự án giao thông đô thị, giao thông nông thôn, đô thị thông minh, các thiết kế sẽ được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên các dự án này có vốn đầu tư công lớn.

Như vậy vấn đề căn cơ chống ngập không chỉ là đầu tư công mà còn phụ thuộc ý thức của người dân, tuyên truyền vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường. Các địa phương cần thường xuyên nạo vét hệ thống cống.

Nhiều vấn đề về đầu tư, dự án lớn tại tỉnh Đồng Nai được lãnh đạo các Sở, ngành trao đổi tại cuộc họp báo.

Về bất động sản chưa phát huy được, đang bỏ hoang, theo ông Hồ Văn Hà, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Cũng lưu ý các dự án hiên nay dư luận quan tâm, xây dựng rồi, cư dân chưa về ở nhiều, đều nằm trong chương trình phát triển nhà ở, được qua các bước đầu thầu đấu giá… Các chủ đầu tư chưa bán hàng hoặc người mua chưa mua. “Chúng tôi đang thực hiện quyết liệt các mục tiêu về nhà ở xã hội cùng với các nhu cầu nhà ở thương mại”, ông Hà cho biết.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng. Các thủ tục hiện nay cơ bản đã hoàn chỉnh. Chủ trương di dời trung tâm hàng chính về khu công nghiệp Biên Hòa 1, hiện đang được thực hiện.

Khai thác tiềm năng dọc sông Đồng Nai sao cho hiệu quả, vừa rồi TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện làm sao để khai thác phát triển các khu đô thị, du lịch ven sông. Bài toán về đô thị ven sông, du lịch ven sông Đồng Nai sẽ được thực hiện.

Về tình trạng số lượng lao động thất nghiệp hiện nay tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, trong tháng 6 và 7 số lượng tham gia bảo hiểm xã hội giảm không còn xảy ra, đã ổn định.

Hiện nay không chỉ tỉnh Đồng Nai mà tình hình chung cả nước, việc giảm đơn hàng xuất khẩu dẫn đến tình trạng giảm lao động xảy ra. Tuy nhiên từ tháng 6 và 7/2023 tình hình lao động đã không còn giảm nhiều như những tháng trước.

Thanh Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-nai-doanh-nghiep-tiep-tuc-gap-nhieu-kho-khan.html