Đồng Nai: 'Lách' ngân hàng, mất trắng nhà máy vì vay tín dụng 'đen'

Cần tiền sản xuất, một chủ doanh nghiệp đã đi vay 'tín dụng đen' với thỏa thuận thay tên đổi chủ nhà xưởng kể cả giấy phép kinh doanh cho chủ nợ để hợp thức hóa hồ sơ với ngân hàng. Khi ngân hàng giải ngân, chủ nợ thu tiền sẽ trả lại nhà xưởng cho doanh nghiệp. Kết cục thì 'không như mơ' và là lời cảnh tỉnh cho nhiều doanh nghiệp khác.

Nhà máy gạch đã rơi vào tay người khác.

Nhà máy gạch đã rơi vào tay người khác.

Chỉ bởi “lách” ngân hàng

Kêu cứu với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tấn (Đồng Nai) cho hay, năm 2015, với vai trò giám đốc, đại diện theo pháp luật của Cty TNHH MTV Tân Thuyết (Cty Tân Thuyết, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), ông đứng ra ký cam kết vay 5 tỉ đồng với ông N.V.Đ (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) để có vốn sản xuất cho Nhà máy gạch Tuynen của Cty tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân. Thời gian vay tính cả ân hạn là 70 ngày, tính từ ngày 13.07.2015, tức tới cuối tháng 9.2015 phải trả nợ gốc và lãi là 6 tỉ đồng.

Thực chất, theo ông Tấn “thú nhận” trong đơn thì cam kết trên giữa 2 bên là hình thức để hợp thức hóa với ngân hàng.

Tài liệu của chúng tôi thể hiện, chủ sở hữu Cty Tân Thuyết chính là bà Tuyết, cần tiền để sản xuất nhưng do nhà máy gạch chưa hoạt động, không đủ điều kiện vay. Được người giới thiệu, bà Tuyết đã gặp và vay của bà H.T.T (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) 4 tỉ đồng để hoạt động nhà máy với mục đích khi ngân hàng đến thẩm định sẽ cho Cty Tân Thuyết vay rồi lấy tiền đó trả lại.

Bà H.T.T đã đặt ra 2 lựa chọn cho bà Tuyết: Hoặc vay nóng của bà thì tính lãi ngày rất cao; hoặc sẽ giúp vay ngân hàng sẽ được lãi suất thấp, nhưng phải sang tên đổi chủ toàn bộ nhà máy gạch, giấy phép kinh doanh cho bên bà H.T.T để đảm bảo khoản vay cũng như hoàn thiện hồ sơ vay ngân hàng.

Bà Tuyết đã chọn phương án nhờ bà H.T.T đứng vay ngân hàng bởi lời hứa, sau khi được giải ngân, bà H.T.T sẽ lấy lại tiền cả gốc, lãi và chi phí phát sinh, chuyển trả lại nhà máy, còn bà Tuyết cứ thế làm lụng trả nợ vay ngân hàng.

Thế nên với vai trò giám đốc đại diện theo pháp luật của Cty Tân Thuyết, ông Tấn mới ký cam kết giao cho người đại diện cho bà H.T.T là ông N.V.Đ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà máy gạch theo hình thức chuyển nhượng vốn sở hữu, đồng thời thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cty Tân Thuyết cho ông N.V.Đ đứng tên. Cả hai ký cam kết với nội dung: Sau khi Cty Tân Thuyết trả hết nợ gốc lẫn lãi khoản vay, ông N.V.Đ sẽ chuyển đổi, trả lại chủ quyền nhà máy gạch cũng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Cty Tân Thuyết.

Sai một li, đi nghìn dặm

“Hợp đồng chuyển nhượng vốn Cty là quan hệ giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tiền… Giao giấy tờ, chuyển chủ sở hữu nhà máy, giấy phép cũng chỉ để hợp thức hóa thủ tục ngân hàng…” - ông Tấn đã thú nhận trong đơn kêu cứu như vậy. Tuy nhiên không chỉ giấy tờ liên quan đã sang tên đổi chủ mà ngay cả con dấu Cty, ông Tấn cũng giao cho ông N.V.Đ vì lý do cần đóng dấu ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng.

Hậu quả là sau khi bà Tuyết nhận từ bà H.T.T 4 tỉ đồng (chuyển tiền làm 3 đợt) và hoàn tất thủ tục chuyển quyền, bà H.T.T không làm hồ sơ vay ngân hàng như thỏa thuận ban đầu với nhiều lý do.

Và chỉ hơn 1 tháng sau (chưa tới hạn trả nợ), tháng 8.2015, ông N.V.Đ bất ngờ thông báo ủy quyền cho người khác vào tiếp quản nhà máy gạch. Giữa chủ nợ và bên vay đã xảy ra mâu thuẫn. Theo ông Tấn, người của ông N.V.Đ đã kiểm soát, gây khó dễ bằng nhiều cách như nói lấy gạch bán để trừ nợ nhưng lại nhùng nhằng không đến lấy bán; ngăn cản khách hàng đến mua bán vận chuyển gạch... khiến bên vay gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, không thể đủ tiền trả nợ đúng hạn.

Tới ngày 6.11.2015, người của bà H.T.T đã đến đóng cổng nhà máy. Ngày 2.12.2015, người của ông N.V.Đ và bà H.T.T đến nhà máy buộc công nhân phải làm việc cho mình, đồng thời kiểm soát quản lý nhà máy. Đến ngày 12.12.2015, người của chủ nợ đến đoạt luôn nhà máy rồi cho người khác sản xuất gạch bán.

Ông Tân, bà Tuyết làm đơn tố giác tới cơ quan công an với những lời rằng: “Ngay từ đầu, họ đã lợi dụng lòng tin của chúng tôi để đưa ra một thỏa thuận hoàn toàn bất lợi rồi có kế hoạch từng bước chiếm lấy nhà máy, Cty”. Từ đó ông Tân, bà Tuyết đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên tháng 10.2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã có thông báo 163/TB-PC45 gửi ông Tân, bà Tuyết với nội dung: Công an và Viện kiểm sát tỉnh Đồng Nai thống nhất không khởi tố vụ án hình sự, bởi tranh chấp giữa nhà máy gạch là quan hệ dân sự. Cơ quan chức năng hướng dẫn ông Tân, bà Tuyết khởi kiện dân sự.

Ông Tân và Tuyết tiếp tục kêu cứu, khiếu nại quyết định của cơ quan công an, cho tới tận giờ này. Trong khi đó, tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 2.2016, ông N.V.Đ đã ký hợp đồng bán Cty Tân Thuyết cho người khác với giá… 6 tỉ đồng.

Ngô Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/dong-nai-lach-ngan-hang-mat-trang-nha-may-vi-vay-tin-dung-den-622600.ldo