ĐỒNG NAI: Lập luận "lạ" ở một phiên Tòa

Cha mẹ chỉ ủy quyền cho sử dụng nhà, song người con lại tự ý cắt đất bán lấy tiền và "thủ" luôn sổ đỏ... Thế nhưng, lạ thay, hành vi ấy lại được "quan" Tòa... chấp nhận?!

Lập luận của Tòa Trước khi đi Mỹ, ngày 29/10/1999, vợ chồng ông P.V.Bàng (80 tuổi, ngụ tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) ký vào "đơn xin ủy quyền nhà" gửi Sở Xây dựng, ghi rõ: "ủy quyền cho con sử dụng" 1 căn nhà tại ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 2... Nội dung đơn là vậy, thế nhưng hơn 3 năm sau (12/2002), bên được ủy quyền sử dụng nhà là ông P.H.Nam đã ngang nhiên "xẻo" 155m2 trong hơn 520m2 đất khuôn viên của căn nhà bán cho Quỹ tín dụng Gia Tân. Chưa hết, năm 2006, khi vợ chồng ông Bàng về lại Việt Nam, ông Nam, chẳng những không trả nhà mà còn kiên quyết thủ giữ sổ đỏ của cha mẹ. Đã thế, theo ông Bàng, con trai ông còn có thái độ bất hiếu, nhục mạ đấng sinh thành (thậm chí, còn xua đuổi cả chị em ruột khi họ đến thăm cha mẹ).v.v... Cực chẳng đã, vợ chồng ông đành "đâm" đơn cậy nhờ pháp luật. Thế nhưng, bản án sơ thẩm (ngày 18/11/2009) của TAND huyện Thống Nhất lại tuyên: Bác đơn yêu cầu đòi nhà, đất của vợ chồng ông Bàng vì "ơn xin ủy quyền nhà" là... hợp đồng (H)... cho tặng bất động sản (?); vì vợ chồng ông Bàng muốn được đi Mỹ thì "phải 3 không" theo quy định, tức "không có tài sản gì, không nợ nần ai, không mắc nợ ngân hàng" (?). Do đó, "bằng văn bản trên, thể hiện ông bà Bàng không còn tài sản ở Việt Nam"(?)... Đó là về nhà, còn về đất, mặc dù trong "đơn xin ủy quyền nhà" không có lấy 1 chữ về việc cho đất con trai; nhưng, để bảo vệ việc ông Nam tự ý "xẻo" vườn đem bán và toàn quyền định đoạt hơn 520m2 đất, Tòa viện dẫn: Theo Luật đất đai 1993, vào thời điểm năm 2000 thì vợ chồng ông Bàng là người Việt ở nước ngoài nên không có quyền sử dụng đất tại Việt Nam (!). Với lập luận như thế, phải chăng Tòa "bắt" vợ chồng ông Bàng chỉ còn có mỗi 1 quyền là phải cho đất ông Nam mà tước đi quyền cho tặng người khác (ngoài ông Nam) cũng như quyền được ủy quyền định đoạt, sang nhượng.v.v...? Để làm rõ những lập luận "lạ" trên, PV đã gặp và trao đổi với ông Q.Phương - chủ tọa phiên tòa. "Ông có thể cho biết, căn cứ luật pháp nào để xử thua nguyên đơn"? "Tất cả đã có trong bản án...". "Vâng, tôi đã đọc và không thấy ông nêu "vấn đề... 3 không" được quy định cụ thể tại văn bản pháp quy nào..."? "Tôi không trả lời anh"!- ông Phương thẳng thừng né tránh. Trong khi, theo Qđ 297 ngày 2/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết một số vấn đề về nhà ở và Thông tư 383 ngày 5/10/1991 của Bộ Xây dựng thì "Người xuất cảnh hợp pháp có quyền bán hoặc ủy quyền cho người khác quản lý nhà ở của mình, trong trường hợp nhà được đem bán thì Nhà nước được quyền ưu tiên mua" (điều 5) và ngay cả trước khi đi, nếu họ xin ủy quyền cho Nhà nước quản lý thì cũng được chấp nhận và khi trở về định cư tại Việt Nam thì được nhận lại nhà... Cố tình không hiểu luật? Như đã nói ở trên, "đơn xin ủy quyền nhà" không có chữ nào nói cho tặng nhà và đất. Vậy mà, Tòa vẫn "nhầm" đó là hợp đồng (H) tặng cho rồi áp dụng điều 461, 463 Luật Dân sự 1995 để "áp án" nguyên đơn. Nếu "vô tình" không đọc kỹ dòng chữ "ủy quyền cho con sử dụng" (hoặc đọc kỹ nhưng lại "đồng hóa" các khái niệm về quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền cho thuê, thế chấp... với nhau) để rồi áp dụng điều 463 thì rõ ràng chỉ có 2 tình huống xảy ra: không hiểu luật hoặc cố tình hiểu sai luật? Bởi, điều 463 quy định: "H cho tặng bất động sản phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền và phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền" và "hợp đồng cho tặng bất động sản có hiệu lực kể từ ngày đăng ký". Thế nhưng, kể từ khi có "H" trong tay ông Nam chưa hề đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên H cho tặng ấy đã không phát sinh hiệu lực. Chưa hết, dưới "đơn xin ủy quyền", chính quyền xã chỉ "ịn" dấu, xác nhận ông bà Bàng "có ký tên ủy quyền" mà không xác nhận chữ ký của ông Nam, mặc dù trong đơn có in sẵn mục này. Theo 1 luật sư, "đơn xin ủy quyền nhà", do ông Nam đưa cho cha mẹ ký, chỉ là 1 giấy ủy quyền sử dụng tài sản (và, do không ghi thời hạn, nên sau 1 năm nghiễm nhiên vô giá trị), không thể hiện ý chí cho - nhận của 2 bên. Bởi lẽ, nếu cha mẹ thực tâm cho, con cái "nhất quyết" nhận thì tại sao không ghi rõ là giấy cho tặng một cách "đề huề"?... Có lẽ, chính vì "thấu hiểu" điều đó, nên hơn 2 năm sau (ngày 18/3/2002) ông Nam phải "sản sinh" ra 1 "giấy cho nhà đất" giả nhằm hợp thức hóa việc biến quyền chỉ được sử dụng nhà thành quyền định đoạt toàn bộ nhà, đất của cha mẹ. Và, thực tế ông đã thành công trong việc dùng văn bản giả này vào việc bán đất cho Quỹ tín dụng Gia Tân. Song, khó hiểu thay, Tòa lại "bênh": "Giấy cho nhà đất không phát sinh giá trị pháp lý". Kể cũng lạ! PV "Không chỉ "hiểu nhầm" đơn xin ủy quyền nhà, án sơ thẩm còn mắc phải một lỗi "chết người" khác khi cho rằng việc ông Nam bán đất là hợp pháp, trong lúc người đứng tên trên sổ đỏ là tôi"- ông P.V.Bàng.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=3491&lang=vn&zone=5&zoneparent=0