Đồng Nai: Mở hướng đi mới từ sản xuất chuyên canh

Hàng loạt vùng chuyên canh cây trồng chủ lực được hình thành để thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả đang mở ra hướng đi mới, mang lại hiệu quả kép về kinh tế, an toàn lao động (ATLĐ) cho người nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Chuyển đổi hợp lý

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, hơn 3 năm qua, huyện Vĩnh Cửu đã chủ động phát triển, hỗ trợ chuyển đổi hàng ngàn ha diện tích cây trồng theo hướng chuyên canh, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo ATLĐ… Qua đó, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, các HTX, tổ hợp tác được hình thành, tạo thành các chuỗi liên kết.

Vĩnh Cửu đang có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý

Vĩnh Cửu đang có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý

Mã Đào và Phủ Lý là 2 xã điển hình của huyện Vĩnh Cửu trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Thời gian qua, 2 xã này đã và đang thay dần giống xoài ba mùa mưa hiệu quả thấp sang giống xoài chất lượng cao hơn như: xoài giống Đài Loan, Úc, xoài cát Hòa Lộc... trên quy mô gần 305 ha.

Đáng chú ý, có 10 ha (mỗi xã có 5 ha) được huyện quy hoạch phát triển theo hướng VietGAP, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ. Đây là mô hình nằm trong dự án “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh ghép chuyển đổi nhanh sang giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho xoài ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai”.

Các mô hình chuyển đổi đang cho thấy những hiệu quả rất tích cực, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tuân thủ tốt các quy định về vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và đặc biệt là quy định về ATLĐ đang được tỉnh Đồng Nai chú trọng quan tâm trong những năm qua.

Sở hữu hơn 1 ha trồng xoài, ông Nguyễn Văn Phích (xã Mã Đà) chia sẻ: “Được sự khuyến khích từ địa phương, tôi chuyển đổi từ xoài ba mùa mưa kém chất lượng sang giống xoài Đài Loan xanh theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với ATLĐ bằng phương pháp ghép cành”.

Theo dự kiến, sau 18 tháng, số xoài ghép sẽ bắt đầu cho trái, nhưng do được chăm sóc tốt, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, chú trọng ATLĐ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, nên chỉ sau 15 tháng, vườn xoài ghép của gia đình ông Phích đã bắt đầu cho thu hoạch đợt quả đầu tiên.

“Phương pháp ghép cành giúp chúng tôi rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí. Với những thành công hiện tại, tôi dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng ra 3 ha xoài còn lại của gia đình”, ông Phích hào hứng chia sẻ.

Các mô hình đang lan tỏa hiệu quả

Nhân rộng hiệu quả

Không chỉ với xoài, hiệu quả của mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh còn mang lại hiệu quả ở nhiều loại cây trồng khác. Điển hình như với cây na hoàng hậu, theo người dân, giá na hoàng hậu cao hơn các loại na khác, dao động từ 70 - 100 ngàn đồng/kg, lợi nhuận có thể đạt 150 – 170 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ cũng đang mang lại hiệu quả cao. Điển hình như tại xã Vĩnh Tân đang có trên 20 hộ trồng ổi lê an toàn, tổng diện tích trên 15 ha.

Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết thời gian qua, huyện thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các địa phương trên địa bàn huyện.

Hiệu quả của công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp huyện hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây chủ lực (xoài, bưởi, cam, quýt), tập trung trên địa bàn các xã Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân, Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý, Vĩnh Tân.

“Để có được những kết quả hiện tại, huyện đã tích cực vận động nông dân tham gia các HTX, tổ hợp tác sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với ATLĐ, mở rộng thị trường cho sản phẩm, đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học…”, ông Phước nhấn mạnh.

Theo Hạ Vi/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/dong-nai-mo-huong-di-moi-tu-san-xuat-chuyen-canh/20191218033141263