Đồng Nai: Nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất

Hiện tại Đồng Nai là một trong những địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), với 605 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 xảy ra, nguy cơ thiếu nguyên liệu phụ trợ sản xuất công nghiệp rất lớn.

Nguồn cung gián đoạn

Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, khoảng 3 - 4 năm gần đây, số lượng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực CNHT tăng nhanh. Hiện, toàn tỉnh thu hút 53 dự án FDI cấp mới, trong đó có 18 dự án thuộc lĩnh vực CNHT và vốn đăng ký chiếm trên 41% trong tổng dự án cấp mới. Mặc dù với số lượng DN CNHT lớn, nhưng chưa chú trọng nhiều đến đầu vào cho sản xuất CNHT.

 Thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp khó chủ động sản xuất

Thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp khó chủ động sản xuất

Thực tế cho thấy, khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu nguyên liệu thô lớn của Việt Nam cho CNHT xảy ra biến động, nguồn cung khan hiếm dẫn đến ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP. Biên Hòa) - thông tin: Công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện cho máy móc, thiết bị và sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đó, nguyên liệu để sản xuất các thiết bị trên phải nhập số lượng lớn nên khi xảy ra dịch Covid-19, công ty đối mặt với thực trạng thiếu đầu vào.

Nhiều DN CNHT trên địa bàn tỉnh cho biết, đã chủ động nhập nguyên liệu thô dự trữ để sản xuất khoảng 2 - 4 tháng, song nếu dịch kéo dài thêm 1 - 2 tháng nữa, họ sẽ rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu phải giảm hoạt động. Với nguyên nhân trên khiến CNHT khó chủ động trong sản xuất, ảnh hưởng dây chuyền đến những ngành sản xuất hoàn thiện sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Nỗ lực chủ động nguồn cung

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, cũng như cả nước, có 5 mặt hàng chủ lực trong sản xuất công nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất là: Giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, điện tử, máy móc, thiết bị và phụ tùng.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP. Biên Hòa) - chia sẻ: Công ty chuyên sản xuất các loại ốc vít cung cấp cho thị trường nội địa đến gần 80% còn lại là xuất khẩu. Đầu vào để sản xuất là các loại sắt thép, kim loại phải nhập khẩu từ một số nước chứ trong nước chưa đáp ứng đủ. Hiện công ty đang tìm thêm nguyên liệu thô từ những thị trường khác để dự trữ cho sản xuất.

Trong giai đoạn dịch Covi-19, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị khẩn số 05/CT-BT về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các biện pháp phát triển ngành CNHT trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường.

Thực hiện yêu cầu trên, các DN CNHT tại Đồng Nai đã chủ động tìm kiếm sản phẩm đầu vào từ các nước trong khối ASEAN, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu. Điều may mắn là nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu sản xuất mạnh nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất CNHT. Tuy nhiên, tìm nguồn cung từ những quốc gia, vùng lãnh thổ khác về chất lượng sản phẩm có thể khá đảm bảo, song điều DN lo lắng là giá bán sẽ cao hơn nhiều so với nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của sản phẩm.

Để hỗ trợ DN, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, DN kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-nai-nguy-co-thieu-nguyen-lieu-san-xuat-143332.html