Đồng Nai: 'Sạch' bến không phép, đò ngang nguy hiểm

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay. Đội Thanh tra giao thông đường thủy đã cơ bản xóa được "mối nguy" ở bến không phép, đò ngang nguy hiểm trên toàn địa bàn TP. Biên Hòa.

Sau một thời gian rà soát, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm đò ngang, bến bãi không phép theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay Đội Thanh tra giao thông đường thủy (Đội TTGT số 2) đã cơ bản xóa được "mối nguy" ở bến không phép, đò ngang nguy hiểm trên toàn địa bàn TP. Biên Hòa.

Dường như các vi phạm liên quan đến giao thông đường thủy phần lớn đều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của chủ bến, chủ đò và cá nhân người điều khiển phương tiện. Nên việc tuần tra, kiểm soát đò ngang, bến bãi hoạt động trên lưu vực sông Đồng Nai gần như là công việc hằng ngày của Đội TTGT số 2 - Sở GTVT tỉnh Đồng Nai. Dù trong điều kiện thời tiết nào, nhiệm vụ trọng tâm này đều được triển khai đều đặn, không được lơ là, sẳn sàng lên thuyền rẽ sóng để thực hiện nhiệm vụ vì sự an toàn của người dân.

Đội trưởng Đội TTGT số 2 - Lê Quang Thái

"Sạch" bến không phép

Hằng năm khi mùa mưa lũ cận kề, việc đi lại trên các chuyến đò ngang sông Đồng Nai lại trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm, lo lắng của người dân và nhà chức trách địa phương. Trong khi đó ý thức của chủ đò lẫn hành khách vẫn còn thấp, hầu hết đều không chấp hành tốt các quy định nên nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất khó lường.

Thực hiện chỉ thị 20/CT-UBND ngày 11/9/2015 về tăng cường các biện pháp chấn chỉnh tình hình hoạt động các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Và Thông báo 2056/TB-UBND ngày 22/3/2016 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Trần Văn Vĩnh về tình hình hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh và hướng xử lý bến thủy nội địa không phép. Cũng như thực hiện Kế hoạch số 329/KHLN-TTrS-CAĐT-CVĐTNĐKVIII ngày 29/3/2016 của Thanh tra Sở GTVT – Cảnh sát đường thủy – Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 về việc phối hợp kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa không có giấy phép hoạt động, phương tiện thủy vi phạm TTATGT trên địa bàn xã Hóa An, Tân Hạnh - TP Biên Hòa... Và thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra sở, Tổ liên ngành cũng như tổ công tác của Đội thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền xử phạt các bến hoạt động không phép cũng như các phương tiện vào bến không phép trên địa bàn thành phố Biên Hòa...

Theo đó, Đội TTGT số 2 đã đóng cửa 100% bến thủy nội địa đã hết phép hoạt động. Nếu trước đây trên địa bàn TP. Biên Hòa có 39 bến thủy nội địa thì hiện chỉ còn duy nhất 1 bến có phép hoạt động (Bến Phù Sa). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, Đội TTGT số 2 đã chính thức "xóa sổ" 10 bến, đóng cửa 28 bến.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.Biên Hòa không còn bến không phép hoạt động. Dù vậy, Đội TTGT số 2 vẫn tiếp tục túc trực, thường xuyên tổ chức kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh các điều kiện an toàn tại bến bãi, phương tiện còn phép hoạt động… Chỉ tính từ tháng 4/2016 đến nay, Đội TTGT số 2 và tổ liên ngành đã lập biên bản, xử phạt 35 trường hợp vi phạm. Lỗi vi phạm nhiều nhất là neo đậu không đúng nơi quy định với 19 trường hợp. Tiếp đó, đưa bến thủy nội địa không phép vào hoạt động, quá tải, đưa phương tiện vào xếp dỡ tại bến không phép…

Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, Đội TTGT số 2 vẫn bám sông hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Vắng bóng đò ngang nguy hiểm

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, nhiều kinh nghiệm của lãnh đạo đội, Đội TTGT số 2 thường xuyên tăng cường tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ bến chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đặc biệt, trước, trong và sau mùa mưa, việc tuần tra, kiểm soát được tổ chức mỗi ngày, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và sẵn sàng đình chỉ hoạt động các bến không đủ điều kiện.

Có lẽ nhờ công tác kiểm tra được duy trì thường xuyên, nên dù thời tiết năm nay có nhiều bất thường nhưng tình hình hoạt động ở các bến đò ngang luôn được đảm bảo, không có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Các quy định được Đội TTGT số 2 tuyên tuyền, nhắc nhở, thậm chí cảnh báo "Chủ phương tiện vận chuyển khách ngang sông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật khi xảy ra mất an toàn" đã được các chủ đò tiếp thu và thực hiện nghiêm túc.

Không những áo phao được giữ khô ráo, sạch sẽ và để ở nơi thuận tiện nhất, nhiều chủ đò còn nhắc nhở khách mặc áo phao, không chiều khách quá mức đến bỏ qua các quy định về an toàn giao thông đường thủy như trước đây.

Để đảm bảo ATGT đường thủy trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong thời gian gần đây, Đội TTGT số 2 liên tục tăng tần suất tuần tra, phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh hoạt động vận chuyển khách ngang sông. Đồng thời chủ động bố trí lực lượng luân phiên bám sông nhắc nhở các chủ phương tiện chấp hành tốt các quy định, cảnh giác cao độ trước diễn biến thời tiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách đi đò.

Bên cạnh đó, cũng cương quyết xử lý nghiêm, thậm chí đề xuất tịch thu giấy phép hoạt động đối với các hành vi điều khiển phương tiện thiếu chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không an toàn, chở quá tải trọng… ngăn chặn các mối nguy có thể xảy ra sự cố, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Nỗ lực khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh

Để ứng phó với tình hình thực tế này, Đội TTGT số 2 thường xuyên bố trí lực lượng kiểm tra, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương khi thời tiết có những biểu hiện bất thường, nước dâng cao và chảy xiết kèm theo gió, lốc… hay khi có sự cố xảy ra.

Điển hình, tình trạng ùn ứ các phương tiện vận tải thủy có trọng tải lớn trên sông Đồng Nai do luồng chính lưu thông bị ách tắc sau sự cố sập cầu Ghềnh là một thách thức lớn đối với lực lượng tham gia điều tiết lưu thông như Đội TTGT số 2. Vì vậy từ khi sự cố xảy ra cho đến khi được khắc phục hoàn toàn, lực lượng của Đội TTGT số 2 phải thường xuyên túc trực 24/24, bám trụ hiện trường suốt ngày đêm, phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh sau tai nạn.

Cụ thể, Đội TTGT số 2 đã kịp thời có mặt ngay khi sự cố xảy ra để phối hợp cùng lực lượng CSGT đường thủy (PC68) điều tiết phân luồng, chốt chặn phương tiện từ phía thượng nguồn và hạ nguồn di chuyển qua khu vực tai nạn. Đồng thời, không cho các phương tiện vào khu vực tai nạn để cho các lực lượng cứu hộ triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn cũng như để phòng tai nạn kép xảy ra.

Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian tiến hành xây dựng cầu Ghềnh mới, Đội TTGT số 2 phải triển khai chia làm 2 tổ chốt chặn ở phía thượng lưu (Km 41 - Cầu Hóa An) và phía hạ lưu (Km 35 - Cầu Đồng Nai). Đồng thời đưa ra nhiều biện pháp nhằm phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công cấm luồng, sắp xếp phương tiện neo đậu an toàn tại phía thượng lưu cầu Hóa An và hạ lưu cầu Đồng Nai. Huy động tất cả nguồn lực tham gia, điều tiết các phương tiện lưu thông qua khu vực được an toàn, không ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bên cạnh đó, Đội TTGT số 2 còn phối hợp với CSGT, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III kiểm tra điều kiện an toàn các phương tiện trước khi cho phép qua cầu.

Với những nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố cầu Ghềnh của lãnh đạo Đội TTGT số 2, mới đây, đội trưởng Đội TTGT số 2 - Lê Quang Thái đã vinh dự được UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng bằng khen về thành tích trong công tác phối hợp xử lý khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh.

PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dong-nai-sach-ben-khong-phep-do-ngang-nguy-hiem-p42282.html