Đồng Nai: Thủy điện vây vườn quốc gia

Nhiều nhà khoa học cảnh báo hệ thống thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Đồng Nai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước và phát triển của hạ lưu.

Trên hệ thống sông ngòi của Việt Nam, sông Đồng Nai nằm trong lưu vực có tiềm năng thủy điện lớn thứ hai cả nước. “Nhưng thủy điện phát triển ồ ạt, xâm phạm đến sự nguyên vẹn của các hệ thống sông, làm cho nguồn nước mặt của hệ thống sông ngòi có vấn đề. Chúng ta không thể không phát triển đập, thủy điện nhưng phải tính giải pháp phù hợp”. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, đã đặt vấn đề như trên tại hội thảo về các khuyến nghị đối với việc phát triển thủy điện ở lưu vực sông Đồng Nai ngày 17-4. Hội thảo do Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, Đồng Nai) cùng Trung tâm Đa dạng sinh học (CBD) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức. Đe dọa khu dự trữ sinh quyển thế giới Theo quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, trên lưu vực sông Đồng Nai có gần 20 thủy điện bậc thang. Hiện đã có một số công trình đang vận hành (Đa Nhim, Hàm Thuận, Trị An, Thác Mơ và Cần Đơn) và một số đang triển khai, điều chỉnh quy hoạch (Đại Ninh, Đồng Nai 3, 4, 8…). Trong đó, thủy điện Đồng Nai 6 đã được quy hoạch từ năm 2020 với công suất 180 MW. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, chủ đầu tư là Công ty Đức Long Gia Lai (DLG) cho rằng dự án sẽ tác động lớn đến môi trường do vùng ngập lòng hồ quá lớn, ảnh hưởng tới rừng quốc gia Cát Tiên. Do vậy, chủ đầu tư đề nghị hiệu chỉnh, tách thành hai dự án gồm Đồng Nai 6 (công suất 135 MW) và Đồng Nai 6A (công suất 106 MW), xây tại các xã Hưng Bình (huyện Đăk R’Lấp, Đăk Nông), Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) và Đồng Nai (huyện Bù Đăng, Bình Phước). Theo tính toán, hai dự án hiệu chỉnh sẽ ngốn hơn 130.000 ha rừng thuộc vùng lõi rừng Vườn quốc gia Cát Tiên và trên 230.000 ha rừng phòng hộ. Hiện trạng và dự kiến thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Đồng Nai. Ảnh: MP Ông Đậu Xuân Thủy, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2, thông tin thêm: “Dự án thủy điện Đồng Nai 5 bị phản ứng vì chiếm đất của Vườn quốc gia Cát Tiên nên đã dời về thượng lưu và giảm công suất hồ chứa”. Tuy nhiên, về quy hoạch hệ thống thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Đồng Nai, đại diện Vườn quốc gia Cát Tiên nhận định: “Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ bị các nhà máy thủy điện bao bọc”. Thiếu quy trình, hạ lưu mang họa Theo Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, việc quản lý rừng đầu nguồn phục vụ cho nhiều mục đích: phát triển thủy điện, kiểm soát lũ, sự cạn kiệt nguồn nước, tưới, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp… Trong đó, phát triển thủy điện đóng vai trò quan trọng trong khai thác tổng hợp nguồn nước, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội. “Tuy nhiên, lưu vực sông Đồng Nai có hệ thống thủy điện bậc thang dày đặc, đồng thời việc quy hoạch hiện đang bị thay đổi tùy tiện, không được xem xét hiệu ích tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn, dòng chảy môi trường… Lưu vực này từng là nơi có nguồn nước dồi dào nhưng hiện tiệm cận với ngưỡng hạn chế khiến ô nhiễm nguồn nước gia tăng và thiếu nước vào mùa khô”- ông Huy cảnh báo. Về nguyên nhân, ông Huy cho rằng hiện việc quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện với nhiều bất cập sẽ gây ra thiệt hại cho hạ du trong việc phòng lũ và cấp nước nên cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương nhằm quản lý thống nhất để đảm bảo việc sử dụng nguồn nước một cách công bằng và bền vững. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ đồng tình: “Nếu không xây dựng quy trình vận hành liên hồ thì mỗi chủ hồ vận hành một kiểu, không thực hiện được nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ sẽ gây thảm họa cho hạ lưu khi lũ đến. Thật buồn cười khi hiện nay mỗi chủ hồ mặc kệ việc nước chảy đi đâu”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội thảo, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên lo lắng: “Chúng tôi không đủ chuyên môn để đánh giá đầy đủ sự tác động tiêu cực của thủy điện đến Vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nhưng một cách tổng quan thì dự án thủy điện nào cũng tác động trực tiếp, gián tiếp đến vườn quốc gia. Rõ nhất là diện tích rừng sẽ giảm, làm giảm đa dạng sinh học, thay đổi hệ thủy văn vùng sinh cảnh tối ưu sẽ tác động lớn đến công tác bảo tồn nhiều loài thực, động vật nằm trong danh mục bảo tồn nghiêm ngặt”. Hiện nhiều suối ở hạ lưu trong vườn quốc gia đã kiệt nước vào mùa khô thì việc xây dựng các hồ chứa thủy điện là nỗi lo lớn của chúng tôi. Được biết, nhiều đơn vị kinh tế thông thường, không am hiểu về môi trường, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng vẫn được cấp phép cho thực hiện các dự án thủy điện thì thật khó hiểu. Dễ thấy, việc đầu tư phát triển thủy điện sẽ bổ sung thêm nguồn điện, phục vụ cho kinh tế nhưng khi thực hiện, diện tích rừng sẽ giảm trực tiếp do phá rừng để xây hồ chứa, đồng thời sự đa dạng sinh học sẽ suy giảm (ngay cả trong quá trình vận hành). Do vậy, chúng tôi đề nghị cần có các đơn vị độc lập, đủ chuyên môn đánh giá, phản biện đầy đủ sự phát triển thủy điện với môi trường, dân sinh và kinh tế, nếu không có thể gây ra những tác hại khôn lường. Ông TRẦN VĂN THÀNH, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên MINH PHONG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100417112529345p0c1015/dong-nai-thuy-dien-vay-vuon-quoc-gia.htm