Đồng Nai: Tiếp thu phản ánh của Ngày Nay, đại diện Bộ GTVT họp báo thông tin tiến độ thi công dự án Cầu Vượt Dầu Giây

Thời gian qua, Tạp chí Ngày Nay liên tục đưa tin về tình trạng thi công bất cập của dự án cầu vượt Dầu Giây (Ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại về tài sản lẫn tính mạng người tham gia giao thông qua khu vực này. Sáng 25/11, đại diện Bộ GTVT đã tổ chức buổi họp báo tại hội trường UBND huyện Thống Nhất, thông tin, trả lời báo chí về tiến độ dự án.

Buổi họp báo do Ban QLDA 7 đại diện Bộ GTVT chủ trì trao đổi với báo chí. Ảnh: Xuân Thời

Buổi họp báo do Ban QLDA 7 đại diện Bộ GTVT chủ trì trao đổi với báo chí. Ảnh: Xuân Thời

Theo đó, chủ đầu tư dự án Nút Giao Thông – Cầu Vượt Dầu Giây là Ban QLDA 7 đại diện cho Bộ GTVT, phía đơn vị thi công là Tổng Công ty BT20-Cửu Long tổ chức buổi họp cùng UBND Huyện Thống Nhất và báo đài Trung Ương để trả lời cụ thể bức xúc của xã hội khi cầu vượt Dầu Giây là huyết mạch giao thông quan trọng lại đang thi công quá chậm. Cuộc họp cũng và đưa ra hướng giải quyết và khắc phục.

Thi công dự án sai quy trình

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Hiền (Chủ Tịch UBND huyện Thống Nhất) khái quát về công trình thi công rất chậm chạp, gây nguy hiểm cho xã hội. “Dự án được triển khai theo mong đợi của chính quyền và nhân dân để phát triển xã hội nhưng đã chậm hơn 3 năm và đến nay đã trở thành sự ức chế cho phát triển kinh tế và người tham gia giao thông đi qua ngã tư Dầu Giây.”

Ông Hồ Xuân Năm (Phó ban QLDA 7) và ông Hoàng Văn Mậu (phó Tổng GD Công ty BT20 – Cửu Long) nêu ra nguyên nhân chính khiến cầu vượt Dầu Giây chậm trễ 3 năm nhưng vẫn chưa thông là vì: nguồn vốn đầu tư tăng lên 134 tỷ. Trong đó, tiền giải phóng mặt bằng ban đầu UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra chỉ gần 17 tỷ nhưng vì kéo dài tranh chấp đền bù, họ phải chi trả gần 140 tỷ. Để bù vào số tiền đội lên của dự án cầu vượt, đơn vị này đã yêu cầu Bộ Tài chính chi trả hoàn thuế VAT dự án nâng cấp QL20 đã bàn giao nhiều năm nay, nhưng họ không chi trả, hiện công ty chỉ còn cho dự án 14 tỷ nhưng công trình cần 80 tỷ nữa để hoàn tất.

“Trong quá trình thi công có nhiều thiếu sót về an toàn mà báo chí liên tục thông tin là đúng và hơn 10 ngày nay chúng tôi đã thuê một đơn vị thi công chuyên nghiệp thuộc Công ty 775 Tổng Cục Đường Bộ để sửa chữa và bảo đảm an toàn”, Ông Hoàng Xuân Năm phát biểu.

Phản biện ý kiến thi công chậm là do đội vốn, Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh (Phó trưởng Công An huyện Thống Nhất) thống kê, từ khi xây dựng cầu vượt đến nay đã gây quá nhiều tai nạn giao thông, con số 14 người tử vong và hàng chục xe ô tô hư hỏng nặng, nguyên nhân là từ việc thi công không bảo đảm an toàn, thiếu trách nhiệm. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, đổ lỗi cho thiếu tiền là chưa thật sự chính xác, bởi quy trình thi công đã làm không đúng trình tự, chưa họp dân và giải phóng mặt bằng nhưng đã khởi công nên phát sinh và gây khiếu kiện, bất ổn, đời sống người dân bị đảo lộn, kinh tế khó khăn, đi lại bất tiện...

Nói thêm về những bất cập của dự án cầu vượt, Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh nêu: “Hiện tại, thi công gây ra nhiều hầm hố, khi trời mưa thì không nhận ra đâu là hố nên nhiều người té, nhiều xe lọt xuống gây ùn tắc, đèn cảnh báo không có và những vụ chết người tại đây vì trời tối không phân biệt đường tốt xấu, tự tông vào công trình chính là trách nhiệm của đơn vị thi công. Mỗi ngày, Công An huyện phải túc trực 2 ca, mỗi ca đến 3 người mới điều tiết được giao thông tạm ổn định”.

Cầu vượt Dầu Giây thi công chây ì, ùn ứ mỗi ngày. Như Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh (Phó trưởng Công An huyện Thống Nhất) cho biết: "Mỗi ngày, Công An huyện phải túc trực 2 ca mà mỗi ca đến 3 người mới điều tiết được giao thông tạm ổn định”. Ảnh: Xuân Thời

Đơn vị thi công hứa sẽ thông xe chạy trên cầu trước Tết Âm lịch 2021

Hiện nay, cầu vượt Dầu Giây đã thi công xong từ mô M1 đến trụ T6, còn lại T7, T8,T9 và M2. Các phần nhánh rẽ đã hoàn thành về cơ bản nhưng còn rất ngổn ngang.

Trả lời báo chí câu hỏi “Gút lại thì dự án bao giờ sẽ xong?”, Ông Hoàng Văn Mậu cam kết: “Chúng tôi cố gắng làm nhanh, sẽ thông xe chạy trên cầu trước Tết Âm Lịch và các hạng mục khác chờ nguồn vốn xoay tiếp”.

Phóng viên Ngày Nay đặt câu hỏi: “Theo Chủ tịch huyện Thống Nhất cho biết, UBND Tỉnh Đồng Nai đã đồng ý cho mượn tiền để hoàn thành cầu, nhưng chủ đầu tư không mượn(?) Việc thiếu vốn và yêu cầu giải ngân trả hoàn thuế VAT bên chủ đầu tư có báo cho Thủ Tướng Chính Phủ để trực tiếp chỉ đạo không?"

Ông Hồ Xuân Năm trả lời: "Việc cho mượn tiền thì tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai đều lên tiếng cho mượn vốn thi công, nhưng khi tư vấn các chuyên môn tài chính thì việc cho mượn từ tiền ngân sách là trái luật nên chúng tôi không thể nhận thiện ý đó. Việc trình với Thủ Tướng về vụ việc thì Bộ Giao thông là cơ quan có trách nhiệm, Bộ đã có 2 văn bản gởi trình và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tạo nguồn tiền thi công, đây là trách nhiệm của Bộ GTVT".

Sau khi Ngày Nay liên tục đưa tin và phản ánh bất ổn về việc thi công dự án cầu vượt Dầu Giây chây ì, thiếu trách nhiệm gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, đơn vị thi công dự án đang cố hết sức để khởi công tăng tốc và sửa chữa để khu vực này an toàn hơn. Nhưng với con số tử vong, thương vong và thiệt hại về kinh tế, tài sản nêu ra tại buổi họp báo cho thấy cầu vượt Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia do Bộ GTVT làm Chủ đầu tư, thế nhưng rõ ràng một điều: Họ đang bị bỏ rơi!

Xuân Thời

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/dong-nai-tiep-thu-phan-anh-cua-ngay-nay-dai-dien-bo-gtvt-hop-bao-thong-tin-tien-do-thi-cong-du-an-cau-vuot-dau-giay-185132.html