Đồng Nai tìm giải pháp di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I

Từ năm 2006, tỉnh Đồng Nai đã có thông báo sẽ chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I, tuy nhiên đến nay tiến độ vẫn diễn ra rất chậm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì không dám đầu tư cho sản xuất. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Đồng Nai do nước thải gây ra ảnh hưởng trực tiếp với hàng chục triệu người dân trong khu vực.

Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa I (Nguồn: Báo Đồng Nai)

Năm 2009, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng khu công nghiệp này. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đề ra chủ trương trên với mục đích đưa diện tích đất của khu công nghiệp này thành địa điểm thương mại – dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển đô thị, mở rộng cửa ngõ phía đông thành phố Biên Hòa và giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai.

Khu công nghiệp Biên Hòa I (trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) nằm ở phường An Bình, thành phố Biên Hòa, giáp sông Đồng Nai, được xây dựng từ năm 1963 trên diện tích 323ha và là khu công nghiệp được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam. Sau hơn 50 năm hoạt động, đến nay Khu công nghiệp Biên Hòa I đã xuất hiện nhiều hạn chế, đó là mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000 m3 nước thải, trong đó chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp còn phát sinh chất thải, khí thải làm ô nhiễm môi trường.

Mục đích chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I là để bảo vệ môi trường, bảo vệ sông Đồng Nai – nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 triệu dân ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, hơn 10 năm trước, Đồng Nai có đề án di dời khu công nghiệp Biên Hòa I. Đề án này mang lại lợi ích to lớn, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và chỉnh trang, phát triển thành phố Biên Hòa song tỉnh thực hiện đề án quá chậm. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, cuối năm 2022, tỉnh Đồng Nai sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I, trước ngày 31/12/2022, tất cả doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động tại đây. Nhằm đẩy nhanh di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai sẽ chấm dứt cho thuê và thu hồi đất của những doanh nghiệp đã hết hạn thuê đất. Với doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất, tỉnh đưa vào danh sách thực hiện bồi thường để họ sớm chuyển đi.

Tuy nhiên, theo lộ trình chuyển đổi được Tổng Công ty cổ phần phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi – doanh nghiệp được giao thực hiện đề án) đưa ra, việc di dời dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Vào năm 2013, Sonadezi đã đưa ra đề án thực hiện việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I, song do chưa phù hợp với thực tế nên đề án không thể triển khai.

Từ đó đến nay, các ngành chức năng và tỉnh Đồng Nai đã tiến hành nghiên cứu để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp nhất khi chuyển đổi công năng của khu công nghiệp này. Điều chỉnh lớn nhất mới đây so với những lần trước là thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Theo đó, đề án mới sẽ tăng diện tích đất hành chính và bổ sung thêm đất dành cho quốc phòng, giảm diện tích đất thương mại dịch vụ. Cụ thể, sau khi doanh nghiệp di dời khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa I, nơi đây sẽ có 6 ha phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Diện tích đất dành cho khu hành chính tăng thêm khoảng 17 ha. Đất dành cho nhà ở và thương mại dịch vụ giảm xuống, trong đó giảm mạnh nhất là đất dành cho công trình thương mại dịch vụ.

Khảo sát của Sonadezi cho thấy, trong 83 đơn vị đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa I thì có 32 doanh nghiệp muốn tiếp tục sản xuất kinh doanh ở vị trí cũ, không muốn di dời. Hiện đã có 18 doanh nghiệp di dời nhưng vẫn duy trì cơ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa I. Cũng theo các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa I, từ khi có đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I, doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, việc hiện đại hóa công nghệ gặp nhiều khó khăn. Việc doanh nghiệp chuyển đi, nhiều công nhân do đã có cuộc sống ổn định, nên hàng ngày phải di chuyển hàng chục cây số để đi làm ở chỗ mới sẽ khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ công nhân rời bỏ doanh nghiệp là rất lớn. Nếu công ty tổ chức xe đưa đón công nhân sẽ đẩy chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh được trên thị trường.

Sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa (Ảnh: K.V)

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I có tổng vốn lớn hơn 5.000 tỷ, chính vì thế phải trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Theo Luật Đầu tư, để di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai phải trình đề án lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó Bộ này sẽ trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Để đề án được chấp thuận, Sonadezi phải làm một đề án chặt chẽ, có tính khả thi cao. Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I diễn ra rất chậm, và đề án mà Sonadezi đưa ra vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề án chậm triển khai là do một số doanh nghiệp không đồng tình, vướng mắc về chính sách hỗ trợ di dời và phương án sử dụng đất sau di dời. Tại Khu công nghiệp Biên Hòa I hiện có hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất đến năm 2051.

Mặc dù khi di dời, Đồng Nai đã đưa ra chính sách hỗ trợ, song nhiều doanh nghiệp do đặc thù, nên khi chuyển đi là phải đầu tư lại từ đầu, chi phí rất lớn. Ngoài ra, đến địa điểm mới, doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất, nhiều khả năng sẽ mất khách hàng. Bởi khách hàng của các doanh nghiệp là nhà cung cấp, phân phối chứ không phải người tiêu dùng thông thường.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện đã có 3 phương án chuyển đổi được đưa ra để chọn lựa. Phương án 1 là sẽ đấu giá quyền sử dụng đất và tỉnh có nguồn vốn lớn để tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nhằm có đất sạch đấu giá. Phương án 2 là thực hiện đầu thầu dự án để chọn nhà đầu tư. Phương án 3 là xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao thẳng dự án cho Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi.

Hiện Khu công nghiệp Biên Hòa I đã có quy hoạch 1/2.000 và đang tiến hành làm quy hoạch 1/500. Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đang tiến hành gặp gỡ các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa I thông báo thời hạn phải đóng cửa di dời, giới thiệu cho doanh nghiệp nơi chuyển đến, giá đất ở nơi sẽ tới để họ có sự chuẩn bị trước. Đồng thời, công bố rộng rãi để mọi người dân trên địa bàn biết về quy hoạch 1/2.000 của Khu công nghiệp Biên Hòa I.

Dự kiến trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai sẽ di dời về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và được xây dựng trên diện tích gần 20 ha. Dự án có hơn 161 ha đất kinh doanh, đất ở. Từ năm 2018 đến 2020, xây dựng phía Tây Nam và một phần khu vực phía Đông Bắc khu đất quy hoạch rộng gần 60 ha. Từ năm 2021 đến 2023, khoảng 152 ha xây dựng khu vực phía Tây dọc bờ sông Cái, khu vực trung tâm và phía Đông Bắc. Từ năm 2023 đến 2025 xây dựng toàn bộ khu vực còn lại./..

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/dong-nai-tim-giai-phap-di-doi-chuyen-doi-cong-nang-khu-cong-nghiep-bien-hoa-i-500099.html