Đông Nam Á điêu đứng vì biến chủng Delta

Khu vực năm ngoái còn là hình mẫu của việc chống dịch đang trở thành vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của làn sóng dịch mới do tỷ lệ tiêm chủng thấp và biến chủng Delta.

Trong tuần thứ hai của tháng 7, số ca mắc Covid-19 ghi nhận ở các nước Đông Nam Á đã tăng 41%, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Từ ngày 8/7-14/7, tỷ lệ tử vong vì SARS-CoV-2 ở khu vực này tăng 39% và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Đây là mức tăng nhanh nhất từng ghi nhận trên thế giới, theo Bloomberg.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của các nước Đông Nam Á ở ngưỡng 9%, chỉ cao hơn châu Phi và Trung Á.

Indonesia đã vượt Ấn Độ và trở thành tâm chấn Covid-19 lớn nhất ở châu Á. Ảnh: Reuters.

Bức tranh kinh tế ảm đạm

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã buộc hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để kìm chế làn sóng lây lan của virus corona.

Cổ phiếu và tiền tệ trên toàn khu vực đã bị bán tháo trong những tuần cuối tháng 6 - đầu tháng 7, trong khi chính phủ các nước buộc phải bù đắp vào những khoảng thâm hụt tài chính của họ.

“Vì tốc độ tiêm chủng (ở Đông Nam Á) đang chậm lại, ngoại trừ Singapore, chúng tôi nghĩ rằng quá trình phục hổi (của khu vực) sẽ khó khăn, đồng thời khả năng các nước phải gia hạn thời gian áp quy định hạn chế vẫn ở mức cao”, Sian Fenner, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại công ty Oxford Economics, nhận định.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt Brazil và trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới với số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trên ngưỡng 40.000 trong bốn ngày liên tiếp 13-16/7. Một số nước láng giềng cũng liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục.

Indonesia, Thái Lan và Philippines đã giảm mức dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ cho năm 2021. Malaysia cho biết quốc gia này cũng tiếp bước ba nước láng giềng, theo South China Morning Post.

Việt Nam, một trong số ít nền kinh tế trên thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2020, dự báo mức tăng trưởng thấp hơn cho nửa đầu năm 2021.

Singapore là ngoại lệ. Việc đóng cửa biên giới kết hợp với chương trình tiêm chủng được triển khai nhanh đã giúp nước này cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh, theo South China Morning Post.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gộp lại sẽ được xếp hạng thứ năm trên thế giới, sau Đức, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đại dịch đã làm các ngành mũi nhọn của Đông Nam Á như du lịch và tiêu dùng lâm vào cảnh điêu đứng. Do đó, sự tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực gần đây phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu, đặc biệt là hàng điện tử.

Nhu cầu khách quan nói trên có thể thay đổi và khiến các nước Đông Nam Á rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

“Giờ đây, các nền kinh tế phát triển ở phương Tây đang mở cửa trở lại. Nhu cầu của họ có thể sẽ chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, điều này có nghĩa là mức tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của châu Á có thể sẽ giảm trong những tháng tới”, chuyên gia Tuuli McCully tại ngân hàng Scotiabank nhận định.

“Nếu Đông Nam Á muốn duy trì quá trình phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu thụ nội địa buộc phải tăng lên. Tuy nhiên, diễn biến dịch khiến hướng đi này trở nên ít khả dĩ hơn” , bà McCully nói thêm.

Tình trạng thiếu hụt khí thở xảy ra ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia và Myanmar. Ảnh: AFP.

Chỉ số MSCI Asean Index đã giảm 1,7% trong trong nửa đầu tháng 7. Trước đó, vào tháng 6, chỉ số này đã giảm 3,4%, theo South China Morning Post.

Kể từ giữa tháng 6, thời điểm biến chủng Delta xuất hiện và bắt đầu lưu hành tại Thái Lan, đồng bath của nước này mất khoảng 5% giá trị, trong khi đồng peso của Philippines giảm 4,2%.

Malaysia, quốc gia đã thông qua bốn gói kích thích kinh tế trong năm 2021, cho biết họ đang xem xét nâng trần nợ trong bối cảnh tình hình tài chính nước này gặp nhiều khó khăn. Nước làng giềng Indonesia cũng được cho là có thể không kiểm soát được mức thâm hụt ngân sách theo dự kiến.

Chính phủ Philippines, vừa trả xong khoản vay trị giá 10,8 tỷ USD từ ngân hàng trung ương vào đầu tháng 7, phải lập tức quay lại và đăng ký một khoản vay khác.

Đánh đổi ngắn hạn

Nhà phân tích Andrew Wood của S&P Global Ratings, nhận định rằng các nước Đông Nam Á đang có “một khởi đầu khó khăn hơn đối với việc củng cố tài khóa” vì vừa phải kích cầu trong nước vừa thiếu hụt nguồn thu.

Ông Wood cũng cho rằng “trong một số trường hợp, kết quả tài khóa năm 2021 (của Đông Nam Á) có thể thấp hơn mức dự kiến trước đây”.

Tốc độ triển khai vaccine chậm được cho là một nhân tố khiến tình hình dịch Covid-19 ở Đông Nam Á chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Ảnh: Reuters.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng tình hình đại dịch đã tạo ra “hiệu ứng vết sẹo” có thể kìm hãm mức tăng trưởng trung hạn của Philippines.

S&P Global Ratings hôm 15/7 cũng đưa ra cảnh báo tương tự đối với Indonesia. Hãng này cho rằng sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế.

“Các quốc gia đang phát triển có xu hướng tránh áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để hạn chế tác động tiêu cực đến GDP’, Rob Carnell, người đứng đầu nhóm nghiên cứu khu vực hâu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn tài chính ING Groep NV, nhận xét. “Tất nhiên, đây là một sự đánh đổi sai lầm và chỉ mang tính ngắn hạn”.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-nam-a-dieu-dung-vi-bien-chung-delta-post1239557.html