Đông Nam Á tiến tới 'cai nghiện' sản phẩm nhựa

Nhân ngày Môi trường Thế giới (5/6) vừa diễn ra và Liên Hợp Quốc kêu gọi chiến dịch dọn dẹp ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới, các chuyên gia đang tập trung vào khu vực Đông Nam Á, nơi có bốn trong số những nước gây ô nhiễm rác thải nhựa trên biển hàng đầu thế giới.

Từ các thành phố lớn như Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Nhật Bản) đến các khu nghỉ mát trên bãi biển ở Philippines và Việt Nam, túi nhựa và chai lọ nhựa là những thứ ô nhiễm hàng đầu trong khu vực.

Theo Chương trình Môi trường của LHQ, trên toàn cầu, khoảng 8 triệu tấn nhựa thải vào đại dương mỗi năm, làm chết sinh vật biển và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người.

“Năm nước châu Á bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm tới 60% chất thải nhựa xả ra biển” - một nghiên cứu năm 2015 của tổ chức Bảo vệ Đại dương (Ocean Conservancy) có trụ sở tại Mỹ và Trung tâm Kinh doanh - Môi trường McKinsey cho biết.

Những chiếc thuyền đánh cá trên một bãi biển ngập tràn chất thải nhựa ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam vào ngày 4/6/2018

Theo nghiên cứu này, năm nền kinh tế đã “tạo ra nhu cầu bùng nổ cho các sản phẩm tiêu dùng nhưng thiếu cơ sở hạ tầng quản lý chất thải để đối phó với tình trạng gia tăng rác thải nhựa.

Dẫn lời bà Susan Ruffo, Giám đốc các sáng kiến quốc tế của Ocean Conservancy, Reuters cho biết: “Ba năm sau đó, “tình trạng khẩn cấp rác thải” trên đảo thiên đường du lịch Bali của Indonesia và quyết định đóng cửa đảo du lịch Boracay ở Philippines cho thấy các nước đang nhận thức được tác động của chất thải nhựa. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, mà còn là trách nhiệm của tất cả các tập đoàn, xã hội dân sự và mọi công dân”.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/the-gioi/dong-nam-a-tien-toi-cai-nghien-san-pham-nhua-1254305.html