Đồng nghiệp bình luận gì về vụ thầy cô ở Thanh Hóa đuổi 7 học sinh 'nói xấu' mình?

Lẽ ra tình huống như này là cơ hội giáo dục thể hiện vai trò của nó. Nhưng thầy cô đã quên mất vai trò ấy rồi.

Sự việc trường THTP Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) ra quyết định kỷ luật 7 học sinh bằng hình thức đuổi học do phạm lỗi nói xấu, xúc phạm thầy cô và nhà trường trên mạng xã hội gây tranh cãi dư luận.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Phan Gia Bảo, người từng là giáo viên tại một trường THCS, THPT tại TP. HCM chia sẻ: “Lẽ ra các tình huống như này là cơ hội giáo dục thể hiện vai trò của nó. Nhưng thầy cô đã quên mất vai trò ấy rồi.

Hình phạt như vậy cũng phản ánh một phần tư duy về xã hội của những thầy cô ra quyết định kiểu này trong trường của mình. Đó là kiểu luôn phải lựa chọn dùng sức mạnh tối ưu hiện có để áp chế đối tượng nhắm đến, muốn họ sợ hãi mà khuất phục thay vì nhận thức thiếu sót mà cùng nhau sửa chữa".

Cô Phan Gia Bảo trong lần sinh hoạt ngoại khóa của trường. Ảnh: NVCC

Chị Bảo cho biết, khi còn giảng dạy, chị chưa từng trực tiếp hay loáng thoáng nghe học sinh dùng lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa nói về mình hay về nhà trường.

Chị Bảo lắng nghe học sinh bằng cách cho học sinh ghi nhận xét vào đầu năm học, cuối học kì, và cuối năm. Tờ giấy nhận xét đó không ghi tên học sinh để các em thoải mái chia sẻ tâm tư, bày tỏ tâm tư, những điều khó nói với các thầy cô giáo, nhà trường.

Trong lớp chủ nhiệm, chị Bảo nhận được phản hồi của một học sinh nói “Cô bớt dữ”. Đó cũng là lần duy nhất chị nhận được phản hồi “nói xấu” như vậy.

Cô Phan Gia Bảo và học sinh của mình. Ảnh: NVCC

Ngay sau đó, chị Bảo tổ chức một buổi sinh hoạt trên lớp, chia sẻ suy nghĩ của mình. Với chị, đó cũng là cơ hội để học lắng nghe, đặt câu hỏi để thảo luận với nhau. Bởi chủ trương của trường chị dạy là lắng nghe học sinh nên các em cũng thoải mái chia sẻ.

“Việc học có thực sự thảo luận với mình không thì còn tùy thuộc vào môi trường chia sẻ trong lớp giữa giáo viên và học sinh như thế nào? Thầy cô nên nhẹ nhàng, mềm mỏng khi trò chuyện với các em thì chúng mới thoải mái bộc bạch.

Đôi khi, vì công việc nhiều, rồi còn tùy vào công tác mỗi trường mà thầy cô có cách tiếp xúc học sinh khác nhau. Học sinh có hành động nông nổi và giáo viên trở nên nóng giận cũng là điều không tránh khỏi.

Nhưng quan trọng nếu hiểu vì sao học cần đi học và vì sao giáo lại có mặt trong trường học, thì người giáo viên dù thế nào cũng hướng đến cách xử lý giúp các em hiểu vấn đề khi lỗi phát sinh để sửa lỗi”, chị Bảo nêu ý kiến.

Ngày 1/10, em Đ.M.Tr (học sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trãi) sử dụng điện thoại di động trong giờ học, bị cô giáo bộ môn thu, sau đó giao lại cho cô giáo chủ nhiệm.

Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích”, nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường.

Nhà trường đã mời phụ huynh của nhóm học sinh lớp 10A5 lên để trao đổi. Cuối cùng, hội đồng kỷ luật nhà trường họp, quyết định mức kỷ luật: 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/dong-nghiep-binh-luan-gi-ve-vu-thay-co-o-thanh-hoa-duoi-7-hoc-sinh-noi-xau-minh-d15174.html