Đông Ngũ, hiệu quả từ những chính sách đặc thù

Xã Đông Ngũ (Tiên Yên – Quảng Ninh) triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với 'vốn liếng' đạt 6 tiêu chí và 15 chỉ tiêu; đó là chưa kể nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn nhiều hạn chế. Nhưng chỉ sau hơn 5 năm, xã đã đạt được 17/19 tiêu chí, 37/39 chỉ tiêu (đánh giá theo tiêu chí cũ), phấn đấu về đích năm 2017.

Người dân đến Trạm Y tế xã Đông Ngũ khám và được tư vấn chăm sóc sức khỏe.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Nếu có một đội ngũ cán bộ tâm huyết, cộng với tinh thần quyết tâm cao và nhiều cách làm sáng tạo thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua và nhiệm vụ nào cũng có thể hoàn thành”.

Có được những kết quả khả quan đó, theo ông Việt, trước hết nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện Tiên Yên, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là sự sáng tạo và biết chọn những việc có tính khác biệt so với các địa phương khác. Chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó xác định rõ người dân phải là chủ thể trong XDNTM, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ; đặc biệt phải tập trung tuyên truyền làm sao để người dân bỏ hẳn nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại Nhà nước.

Có một điều đặc biệt hơn đối với các xã khác trên địa bàn huyện là, Đông Ngũ đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề tập trung vào giải quyết các vấn đề quan trọng, bức thiết tại địa phương, điển hình như Nghị quyết về “Huy động sức dân”. Tại Nghị quyết này, xã đã có những chính sách đặc thù như không huy động kinh phí đối với các hộ thuộc diện chế độ chính sách, thương, bệnh binh, người già, gia đình neo đơn, hộ nghèo; đề ra các mức thu khác nhau không cào bằng mà huy động theo nhóm hộ giàu, hộ khá, hộ trung bình. Từ đây đã tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh Nghị quyết về huy động sức dân, ngày 01/4/2013, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật XDNTM năm 2013. Tại Nghị quyết này xã có cách làm riêng, đó là căn cứ vào các công trình hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa của 16 thôn xếp theo thứ tự ưu tiên, xã có mức hỗ trợ nguyên vật liệu chính từ 50 - 70% cho các thôn để huy động cộng đồng dân cư kết hợp triển khai. Thành công nhất của Nghị quyết này là ngoài việc triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã trong năm, vào dịp cuối năm do công tác chuẩn bị đầu tư tốt nên huyện đã chuyển nguồn vốn của các xã khác không giải ngân được cho xã Đông Ngũ đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy ngay trong năm 2013 xã đã thi công trên 8km đường ngõ xóm và hơn 4km kênh mương nội đồng.

Nghị quyết thứ 3 cũng rất quan trọng, đó là xây dựng nếp sống văn minh gắn với thực hiện tiêu chí về y tế, môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết này đã giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn trong khu dân cư, vận động nhân dân thay đổi tập quán ăn ở mất vệ sinh, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đến Đông Ngũ hôm nay điều dễ nhận thấy nhất là đường làng, ngõ xóm khang trang sạch sẽ, người dân có ý thức trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường.

Nhờ ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách đặc thù, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện; thực hiện tốt công tác xã hội hóa từ phía các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng vật liệu xi măng, gạch; sự tham gia đóng góp công, hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp bằng tiền mặt của người dân, xã Đông Ngũ đã cứng hóa được 23,77km đường liên thôn; 4,83km đường liên xóm, ngõ xóm; 2,87km đường nội đồng; xây dựng hoàn thành 5,8km kênh mương cấp 3, trong đó, nhân dân trên địa bàn đã hiến 14.119m2 đất các loại, đóng góp 19.047 ngày công và 2.053 triệu đồng. Xã đề nghị UBND huyện tiếp tục tạo điều kiện sớm cấp kinh phí để xã thực hiện thi công 1,7km kênh mương cấp III; UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo chuyển công tác quản lý hệ thống kênh mương về cho huyện để địa phương sớm tổ chức thi công trên 3km kênh mương cấp I từ Chặng Bé về Đông Ngũ Kinh.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền cho nhân dân kiến thức kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các cây – con giống mới. Từ năm 2010 đến nay, đã có 13 mô hình mới được áp dụng vào thực tế sản xuất với 365 lượt hộ gia đình tham gia. Đặc biệt, nhân dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, nhiều mô hình phát triển sản xuất như: Trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản, trồng nấm linh chi, chăn nuôi bò, gà, lợn, phát triển lâm nghiệp, thương mại dịch vụ đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 28,2% thì đến năm 2015 còn khoảng 1,2%.

Ông Việt cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, chính quyền xã Đông Ngũ sẽ tiếp tục đôn đốc xây dựng các công trình đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại và giữ vững chất lượng các tiêu chí đã đạt được.

Kiều thủy

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dong-ngu-hieu-qua-tu-nhung-chinh-sach-dac-thu-post16585.html