Đồng phục học sinh trước năm học mới: Ngậm đắng!

Trong hơn 1 tháng PV Tiền Phong vào vai nhân sự của đơn vị đi bán đồng phục đã chứng kiến một thực tế mua bán đồng phục hoàn toàn khác xa so với những gì nhà trường và cha mẹ học sinh được phép làm...

Mỗi năm học mới, bộ đồng phục trở thành gánh nặng cho phụ huynh (ảnh minh họa) Ảnh: ĐA

Mỗi năm học mới, bộ đồng phục trở thành gánh nặng cho phụ huynh (ảnh minh họa) Ảnh: ĐA

Nhà cung cấp được chỉ định?

Sau nhiều ngày thuyết phục, chúng tôi được anh Nguyễn Văn K, chủ một cơ sở chuyên kinh doanh đồng phục lâu năm tại quận Long Biên (Hà Nội) đồng ý đồng hành. Mang theo một số mẫu đồng phục loại tốt, phóng viên cùng anh K bước vào chặng đường tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngay khi năm học vừa kết thúc.

Ngày 10/7, chúng tôi đến Trường Tiểu học và THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) để gặp hiệu trưởng. Sau khi nói mục đích bán đồng phục, bảo vệ gọi điện cho ban giám hiệu một lát rồi thông báo, hiệu trưởng bận, không thể gặp. Tiếp tục di chuyển đến Trường THCS Yên Hòa (Cầu Giấy), tại cổng trường, bảo vệ nói hiệu trưởng đang ở trong phòng làm việc nhưng cũng không thể tiếp.

Hơn hai tuần cuối tháng 7/2019, nhóm PV và anh K đến nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiếp cận được với một vài hiệu trưởng. Không rời bàn làm việc, cô P.N, Hiệu trưởng Trường Tiểu học X của một quận trung tâm Hà Nội khuyên chúng tôi: “Cty mới muốn tiếp cận và nhận được đơn hàng thì phải có người quen, phải có mối quan hệ từ quận giới thiệu xuống, còn trực tiếp đến các trường thì rất khó.

Trước đây cứ bên nào cung cấp sản phẩm tốt là trường nhận, nhưng bây giờ không chỉ riêng đồng phục mà một số nhu cầu khác như suất ăn, trung tâm tiếng Anh… đều từ trên. Danh sách họ phân bổ mỗi trường một số đối tác, còn nhà trường không trực tiếp lựa chọn”. Theo cô N, vì không muốn gặp rắc rối và được bảo lãnh nên các trường thường lựa chọn đối tác được phòng giáo dục quận giới thiệu.

Cô H.T, Hiệu trưởng Trường tiểu học GB, cũng của một quận trung tâm Hà Nội cho rằng, dù nhận được sự chỉ định từ cấp trên nhưng vì quyền lợi của học sinh và chất lượng sản phẩm nên cô nhất quyết giữ nguyên đối tác cũ. Theo cô này, vì mua của đối tác cũ nên mỗi bộ đồng phục của học sinh rẻ hơn 40.000-50.000 đồng so với giá bộ đồng phục các trường xung quanh mua.

Mang theo hồ sơ, đồng phục mẫu trực tiếp đến Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, Đống Đa để đặt vấn đề. Khác với chia sẻ của hiệu trưởng các trường, cán bộ văn phòng tại đây từ chối và cho rằng, không có việc Phòng GD&ĐT gửi danh sách nhà cung cấp xuống các trường.

“Phòng GD&ĐT chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo dục, không can thiệp đến đồng phục học sinh. Hiệu trưởng và ban phụ huynh của trường sẽ trực tiếp gặp gỡ bên cung cấp. Họ muốn từ chối nhận mời nên tìm lý do để thoái thác”, một cán bộ cho hay.

“Bây giờ không chỉ riêng đồng phục mà một số nhu cầu khác như suất ăn, trung tâm tiếng Anh… đều từ trên. Danh sách họ phân bổ mỗi trường một số đối tác, còn nhà trường không trực tiếp lựa chọn”.
Cô P.N, Hiệu trưởng Trường tiểu học X.

Dù cán bộ văn phòng Phòng GD&ĐT Thanh Xuân, Đống Đa phủ nhận nhưng một nguyên cán bộ từng làm việc tại một phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, nếu chỉ trực tiếp mang hồ sơ đến các trường chào mời thì khó “có cửa”. Muốn thành công, nhà cung cấp phải có mối quan hệ, người quen giới thiệu.

Phóng viên liên hệ với ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy để làm rõ thông tin cho rằng, đơn vị này có chỉ định, giới thiệu nhà cung cấp đồng phục cho các trường. Ông Ngọc Anh yêu cầu PV qua văn phòng đặt nội dung làm việc và sẽ sắp xếp phản hồi sau.

Bỏ nghề vì hoa hồng, cắt phế

Kinh doanh đồng phục học sinh mang lại lợi nhuận khá tốt, anh K, người đồng hành với chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu. Anh cho in số điện thoại của cơ sở sản xuất lên mác, để phía trong áo, quần để phụ huynh liên lạc, mua hàng. Sau một thời gian ngắn, anh nhận được rất nhiều cuộc gọi của phụ huynh than phiền, thậm chí quát mắng.

“Ban đầu tôi bị sốc, nhưng tìm hiểu ra mới hiểu, phụ huynh bỏ ra 300.000 đồng cho một bộ đồng phục tôi bán 170.000 đồng. Nhận quá nhiều cuộc gọi, tôi ám ảnh, chán nản nên quyết định thay đổi”, anh K nói. Hiện anh K không còn dám bán đồng phục học sinh mà chuyển sang cung cấp đồng phục công sở, hội nhóm.

Anh Trần Thanh Phương, nhân viên kinh doanh một cơ sở bán đồng phục trú tại phường Phú La (Hà Đông) cho biết, ngoài mối quan hệ thân quen, để thuyết phục được các trường phải cắt phần trăm cho hiệu trưởng hoặc cán bộ phụ trách. Giá cả đồng phục phụ thuộc nhiều vào chất liệu, sơ mi hay thể thao, màu sắc…, nhưng theo anh Phương, cơ bản nằm trong khoảng 120.000 - 170.000 đồng.

“Cty tôi có nhà xưởng, trực tiếp may đồng phục cho rất nhiều trường tại Hà Nội nhưng chưa bao giờ được ký hợp đồng trực tiếp mà phải qua môi giới. Chỉ có đấu giá công khai mới tạo ra cạnh tranh công bằng. Không quen biết, không ai cho mình chào giá, bán hàng vào”, anh Phương nói.

Nhóm PV Bạn đọc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dong-phuc-hoc-sinh-truoc-nam-hoc-moi-ngam-dang-1455186.tpo