Đồng phục không phải là biện pháp làm giảm bạo lực học đường ở Pháp?

Nhiều trường học trên khắp nước Pháp đã tham gia chương trình thử nghiệm mặc đồng phục cho học sinh kéo dài 2 năm do tân Thủ tướng Gabriel Attal - người từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Pháp khởi xướng.

Ông Laurent Wauquiez - Chủ tịch Hội đồng khu vực Auvergne-Rhone-Alpes giới thiệu những bộ đồng phục sẽ được thử nghiệm tại một số trường trung học trong khu vực vào ngày 21/12/2023. Ảnh: Olivier Chtaskole/AFP

Nhiều trường học Pháp tham gia thử nghiệm mặc đồng phục cho học sinh

Khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9, một số trường học ở Pháp đã tham gia chương trình thử nghiệm mặc đồng phục cho học sinh kéo dài 2 năm do tân Thủ tướng Gabriel Attal - người từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Pháp khởi xướng.

Sáng kiến này được Bộ Giáo dục Pháp đưa ra nhằm mục đích giải quyết sự bất bình đẳng giữa các học sinh và giảm bớt tình trạng bắt nạt học đường và áp lực từ bạn bè.

Hai chiếc áo polo màu xanh nước biển, một chiếc ngắn tay và một chiếc khác mặc áo liền quần, được khoác lên người ma-nơ-canh trên sân khấu. Thêu ngang ngực là một lá cờ Pháp hình chữ nhật nhỏ ở bên phải cùng dòng chữ "La Region, Auvergne-Rhône-Alpes" (một vùng của nước Pháp bao gồm 12 tỉnh) ở bên trái.

Laurent Wauquiez , Chủ tịch hội đồng vùng Auvergne-Rhône-Alpes ở đông nam nước Pháp, thông báo rằng, những chiếc áo polo trên là những mẫu đồng phục học sinh sẽ được triển khai tại 5 trường trung học địa phương.

Song, trên mạng xã hội, nhiều học sinh trung học vùng Auvergne-Rhône-Alpes bày tỏ không ưng ý với mẫu đồng phục mà ông Laurent Wauquiez giới thiệu. Theo họ, đó một bộ quần áo không đẹp mắt và thiếu phong cách.

Quy định mặc đồng phục học sinh có thể giải quyết mọi vấn đề trong trường học?

Học sinh mặc đồng phục ở một trường học của Pháp. Ảnh: linternaute.com

Sau khi Bộ Giáo dục Pháp thông báo kế hoạch thử nghiệm đồng phục học sinh ở các địa điểm khác nhau trên cả nước, các trường công lập ở các thành phố trực thuộc trung ương đã tình nguyện tham gia thử nghiệm chương trình.

Cụ thể, các thị trấn háo hức thử nghiệm đồng phục học sinh bao gồm Tourcoing và Reims ở phía bắc và Nice ở phía nam nước Pháp. Các khu vực Allier và Alpes-Maritimes cũng bày tỏ sự quan tâm.

Mỗi khu vực sẽ phải hợp tác chặt chẽ với các trường chọn tham gia, vì việc áp dụng đồng phục học sinh sẽ kéo theo nội quy trường học phải được sửa đổi.

Theo hãng tin Franceinfo của Pháp, một bộ đồng phục cơ bản cho mỗi học sinh có thể bao gồm 5 chiếc áo polo, 2 áo chui đầu và 2 chiếc quần dài, trị giá khoảng 200 euro. Một nửa chi phí sẽ do chính quyền địa phương chi trả và nửa còn lại do nhà nước chi trả.

Bất chấp phản ứng tích cực từ một số thành phố trên khắp nước Pháp, sáng kiến mặc đồng phục cho học sinh vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục ông Attal khi cho rằng: "Tôi vẫn chưa tin đây là giải pháp có thể khắc phục được mọi thứ".

Ngoài ra, một số giáo viên trường công, nhà tâm lý học và chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi khi cho rằng, đồng phục học sinh không phải là giải pháp thần kỳ có thể giải quyết triệt để mọi vấn đề liên quan đến quấy rối, bất bình đẳng xã hội hay chủ nghĩa thế tục.

Căng thẳng tại các trường công ở Pháp đã gia tăng trong những năm gần đây, với các vụ bạo lực giữa học sinh và giáo viên đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về cách cải thiện an ninh.

Tháng trước, một nữ sinh 12 tuổi đã dùng dao làm bếp đe dọa giáo viên tại một trường học ở miền bắc nước Pháp. Vào tháng 10, một sinh viên Hồi giáo cực đoan đã đâm chết giáo viên cũ của mình. Gần đây nhất, 6 thanh thiếu niên đã bị kết án vì vai trò của họ trong vụ sát hại giáo viên người Pháp Samuel Paty bên ngoài trường cấp hai bởi một kẻ Hồi giáo cực đoan vào năm 2020.

Theo Thủ tướng Attal, mục tiêu chính của thử nghiệm mặc đồng phục trong các trường học là đo lường tác động của đồng phục học sinh đối với các vấn đề về chủ nghĩa thế tục, bắt nạt, bất bình đẳng xã hội và quyền lực, cũng như xem liệu nó có cải thiện thành tích học tập hay không.

Lý do Pháp đưa ra sáng kiến thử nghiệm mặc đồng phục cho học sinh

Kể từ ngày 27/8/2023, Pháp đã cấm phụ nữ, trẻ em gái mặc áo choàng Hồi giáo abaya trong trường học. Ảnh: Nicolas Tucat

Một trong những lập luận chính của Chính phủ Pháp ủng hộ đồng phục học sinh là chúng có thể hạn chế những nỗ lực trong tương lai nhằm làm suy yếu chủ nghĩa thế tục của Pháp - một chủ đề gây tranh cãi xung quanh trang phục liên quan đến đạo Hồi.

Vào ngày 4/9/2023, Chính phủ Pháp đã cấm phụ nữ và trẻ em gái mặc bộ abayas (trang phục che phủ từ vai đến chân của phụ nữ Hồi giáo). Bởi theo họ, mặc trang phục như vậy là vi phạm quy tắc về tính thế tục (phi tôn giáo) trong giáo dục.

Lệnh cấm này sau đó đã gây ra một làn sóng chỉ trích trên khắp nước Pháp. Bởi một số người cho rằng, trang phục che kín cơ thể không phải là hành vi phô trương tôn giáo và không nên bị cấm.

Từ tháng 3/2004, Pháp đã cấm học sinh đeo các vật dụng hoặc mặc trang phục có thể thể hiện yếu tố tôn giáo trong trường học, bao gồm những cây thánh giá lớn của Cơ đốc giáo, mũ đội kippas của người Do Thái và khăn trùm đầu của người Hồi giáo.

Do đó, nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục ở Pháp có nghĩa là việc đeo bất kỳ dấu hiệu hoặc trang phục nào thể hiện sự liên kết tôn giáo của học sinh là vi phạm pháp luật.

Đồng phục học sinh không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu

Năm 2023, Pháp thiếu hàng nghìn giáo viên do gặp khó khăn trong tuyển dụng. Ảnh: AFP

Sabrina - người từng làm giáo viên tiểu học ở vùng ngoại ô phía bắc Paris trong nhiều năm và hiện là cố vấn tâm lý học đường thở dài: "Thực lòng tôi nghĩ rằng, đồng phục học sinh sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến môi trường xã hội ở trường học".

Theo Sabrina, việc mặc đồng phục có thể giúp học sinh cảm thấy bớt khác biệt hơn với nhau hoặc không phải mất thời gian vào mỗi buổi sáng suy nghĩ nên mặc gì đi học. Nhưng quy định mặc đồng phục sẽ không thay đổi nhiều các vấn đề về chủ nghĩa thế tục, trật tự và bắt nạt học đường.

Một giáo viên trường công muốn giấu tên cũng đồng tình với quan điểm này khi nói rằng: "Các hình thức bạo lực học đường không đến từ quần áo học sinh mặc. Hãy nhìn vào quốc gia như Anh, nơi đồng phục học sinh đã được sử dụng trong nhiều năm. Song tình trạng bắt nạt vẫn tồn tại".

Tham gia chương trình thử nghiệm, các trường sẽ yêu cầu học sinh mặc đồng phục trong suốt 2 năm để các nhà nghiên cứu có thể tiến hành đánh giá khoa học ở cấp quốc gia. Báo cáo của họ sẽ kiểm tra xem thử nghiệm có hiệu quả hay không. Nhưng nghiên cứu hiện tại từ các quốc gia đã áp dụng quy định mặc đồng phục như Mỹ và Anh cho thấy kết quả không mấy khả quan.

Rachel Shanks, giảng viên cao cấp tại Đại học Aberdeen và là nhà nghiên cứu về đồng phục học sinh, cho biết: "Mặc dù đồng phục giúp học sinh đồng nhất, nhưng chúng có thể là một hệ thống kiểm soát đối với học sinh. Không có nghiên cứu nào ủng hộ ý kiến cho rằng, đồng phục học sinh giúp giảm bạo lực, ngăn chặn bắt nạt hoặc nâng cao thành tích học tập".

Trong nghiên cứu của mình, Shanks đã phát hiện ra rằng, đồng phục đôi khi thậm chí còn làm tăng sự phân biệt đối xử. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu do Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia ở Mỹ thực hiện, các cô gái da màu ở Washington DC có nguy cơ bị đình chỉ học cao gấp 20 lần so với các cô gái da trắng vì vi phạm quy định về trang phục. "Sẽ luôn có cách để xác định một cá nhân", Shanks nói.

Đồng phục không phải là ưu tiên hàng đầu của nhiều trường công ở Pháp. Tình trạng thiếu vốn kinh niên đã khiến nhiều cơ sở giáo dục không thể đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Hàng nghìn vị trí giảng dạy không được tuyển dụng cho học kỳ mới năm ngoái do gặp khó khăn trong tuyển dụng. Các giáo viên đã báo cáo rằng, điều kiện làm việc của họ ngày càng xấu đi và kết quả là họ thậm chí đã đình công để phản đối.

Giảng viên Hamid tại một trường trung học dạy nghề ở ngoại ô phía nam Paris cho biết: "Với tỷ lệ thành công thấp tại các trường dạy nghề của Pháp trong những năm gần đây, ưu tiên của chúng tôi là cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương giáo viên để tăng cường tuyển dụng, giúp sinh viên có được vị trí việc làm, cung cấp cho họ trang thiết bị học tập".

Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục tại Pháp. Sabrina nói: "Ở trường của tôi, ưu tiên hàng đầu hiện nay là giúp giáo viên thực hiện công việc của họ. Chúng tôi mong đợi rất nhiều từ các giáo viên, nhưng trường học không cung cấp cho họ đòn bẩy hoặc phương tiện để thực hiện công việc một cách phù hợp".

Nguồn: France 24

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-phuc-khong-phai-la-bien-phap-lam-giam-bao-luc-hoc-duong-o-phap-17924011314101453.htm