Đồng quê xào xạc trong tranh họa sĩ Đỗ Viết Viên

Quê hương là nguồn cảm hứng bất tận nuôi nấng và tiếp sức cho sự sáng tạo của người họa sĩ. Bằng những gam màu tinh tế, thực sự họa sĩ Đỗ Viết Viên đã tạo dựng được những cảnh sắc của làng quê Việt Nam một cách đặc sắc mà bình dị.

Họa sĩ Đỗ Viết Viên. Ảnh: TH

“Thương nhớ đồng quê” là tên cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Đỗ Viết Viên đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Họa sĩ Đỗ Viết Viên sinh năm 1965. Kể ra, trong số anh em họa sĩ lăn lộn ở kinh kỳ, họa sĩ Đỗ Viết Viên không còn trẻ, thế nhưng bén duyên với mỹ thuật đã hơn 30 năm mà giờ mới có cái triển lãm đầu tay như anh thì cũng là khá hiếm hoi.

Hồi 20 tuổi, anh thanh niên Đỗ Viết Viên đi bộ đội, chiến đấu mãi trên Hà Giang, bị thương thì về nhà rồi đi học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Họa sĩ Đỗ Viết Viên kể: “Hồi tôi còn nhỏ đã thích vẽ vời, chạm trổ. Nhà có khúc củi đun nào đẹp thì lấy ngay ra đẽo hết hình này sang hình khác. Có lần đẽo con ngựa thích lắm mà bà chị mải đi, đá vào làm con ngựa gãy chân. Cứ khóc mãi”. Thích từ bé, mê từ bé, rồi học đại học mỹ thuật, thế mà không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà anh lại đổi sang nghề... phục chế đồ cổ. Mấy chục năm qua gia đình sinh nhai, nuôi dạy con cái trưởng thành đều nhờ vào bàn tay tài hoa của ông “Viên đồ cổ” mà không mấy người biết đến ông “Viên họa sĩ”.

Nhưng cái đam mê từ thưở nhỏ thì không mất đi được. Anh vẫn cặm cụi vẽ. Hàng năm vẫn dành ra mấy đợt để đi đây đó điền dã, lấy tư liệu để về vẽ. Lâu dần, cái kho tranh của anh mỗi ngày một lớn, và đến giờ thì anh quyết định mang ra triển lãm để “chơi cho thật vui” cho thỏa cái đam mê của mình.

Họa sĩ Đỗ Viết Viên có gốc gác ở mãi vùng Sơn Nam Hạ nhưng anh sinh ra và lớn lên ở Ngõ Trại Tóc (Hà Nội). Bản thân cái Trại Tóc năm xưa, thời ông bà anh Viên cũng vốn dĩ ở vùng ven, áp với ngoại thành Hà Nội, nên cái hồn quê, chất quê ở trong anh hình như chưa bao giờ phai nhạt. Có lẽ vì thế mà tranh của anh luôn thấm đẫm cái chất quê mộc mạc. Một mái nhà tranh, một tàu lá chuối, một vạt đất nâu, một cái cầu ao đơn sơ có thiếu nữ đang ngồi giặt áo, một ruộng hoa đang nở... Tất cả giao hòa vào một màu trời xanh mênh mông.

Tranh quê của anh họa sĩ Viên giản dị về đề tài, anh cũng không dụng nhiều công về mặt kỹ thuật trên toan, thế nhưng bất kỳ ai ngắm nhìn tranh đồng quê của anh dường như cũng thấy có một chút gì tựa như một mảnh ký ức của mình trong đó. Điều đặc sắc trong tranh của họa sĩ Đỗ Viết Viên là các mảng màu sắc được đẩy lên cao rực rỡ. Đã xanh là xanh thăm thẳm, đã vàng là vàng ruộm như nắng đầu hè, đã đỏ thì phải là sắc đỏ bồ quân... Có lẽ, bởi ký ức về làng quê bao giờ cũng đẹp và cũng bởi ký ức ấy thường bị những bận rộn, bụi bặm của phố thị kinh kỳ che khuất nên khi vẽ, họa sĩ Viên đã trút cả thương nhớ của mình vào những kì diệu của sắc màu.

Quê hương là nguồn cảm hứng bất tận nuôi nấng và tiếp sức cho sự sáng tạo của người họa sĩ. Bằng những gam màu tinh tế, thực sự họa sĩ Đỗ Viết Viên đã tạo dựng được những cảnh sắc của làng quê Việt Nam một cách đặc sắc mà bình dị.

Một số tác phẩm trong cuộc triển lãm “Thương nhớ đồng quê” của họa sĩ Đỗ Viết Viên:

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-que-xao-xac-trong-tranh-hoa-si-do-viet-vien-post64179.html