Dòng sông lấp

Nếu như dòng sông là cái phần nhạy cảm nhất trên cơ thể một xứ sở, thì với tôi, con sông Cổ Cò - cái dòng sông đã bồi lấp đứt khúc từng quãng, loanh quanh dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, luôn gợi mở trong trí tưởng về một miền xa vắng đẹp lộng lẫy một nỗi buồn...

Không giống như những nỗi buồn của bao dòng sông lấp khác trong lịch sử, ví như "Sông kia rày đã nên đồng" để rồi từ nỗi sắt se lở bồi của thời gian mà chàng thi sĩ đất Vị Xuyên - cái ông vua thơ trào phúng ấy đã một lần nuốt tiếng cười trào lộng của mình mà rưng rưng ...Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Hẳn là, cho dù sức tưởng tượng của bất cứ ai, có giàu đến đâu cũng khó mà có những lần "giật mình" vang động thời gian đến như thế. Người xứ Quảng bây giờ dường như ít ai để ý đến con sông lấp này. Mà kể ra cũng hợp lẽ theo biến dịch thời gian, bởi sông bồi - sông lấp - sông quên... thì nhớ mà gì. Nói vậy e những nhà nghiên cứu, những nhà địa phương học sẽ giận dỗi, bởi sách vở của họ khi viết về vùng danh thắng Ngũ Hành Sơn, luôn nhắc đến dòng sông Cổ Cò về một thời xa xưa nào đó tấp nập thuyền ghe chở hàng hóa xuôi ngược Đà Nẵng - Hội An. Thậm chí, gần đây còn có ý tưởng muốn khai thông lại dòng sông, cho khách nhàn du chiêm bái Hội An - Ngũ Hành Sơn bằng đường thủy. Bao nhiêu quên và bấy nhiêu nhớ đó hình như chẳng can dự đến tôi và em, vào cái đêm cả hai quên tuổi tác rong chơi giữa mùa lễ hội Quán Thế Âm, chạy đuổi bắt từng chùm hoa đăng bồng bềnh trôi tấp vào nhau thành cụm thành dòng như đuổi bắt tuổi thơ của mình!

Có thể nói, mỗi lần lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hằng năm đều có dòng sông Cổ Cò dự phần, một dự phần có vẻ thi sĩ nhất. Sông mà thi sĩ ư? Có đấy! Đến cây lá còn thi sĩ nữa huống là sông: Cái cây thi sĩ vô tình đã/Biên những dòng thơ lá "bẽ bàng". Phạm Hầu thi sĩ trong bài thơ Y Lan đã viết như thế. Ở Ngũ Hành Sơn này, ông còn đắp nên ngọn thi sơn sừng sững Vọng Hải Đài thơ bên cạnh một Vọng Hải Đài đá như muốn thi thố cùng vô tận kia cái lẽ huyền diệu của sự vĩnh hằng. Nhưng dòng sông Cổ Cò trước chùa Quán Thế Âm lại thi sĩ với một âm hưởng khác. Đa thanh hơn, dìu dặt hơn trong ý nghĩ mỗi người biết đối thoại với sông. Không biết những nhà làm du lịch có nghe ra tiếng thời gian nơi đây, một thứ thanh âm không phải nghe ra bằng sức dòng chảy của sông mà câm lặng hiển thị bằng sự phai tàn của chính mình, góp cho đời sống một sự tĩnh lặng để ngẫm ra mọi cuộc tuần hoàn non dời bể lấp.

Chỗ quãng sông còn lại rộng nhất đối diện với hoa viên chùa Quán Thế Âm, ngay dưới khóm trúc bên bờ sông, đã có lần tôi với em và một người bạn thân thiết, suốt gần cả một buổi chiều nằm trên cỏ xanh hồn nhiên ca hát. "Em gởi lên trời chon von tiếng hát. Chiều dần tan không lưu lại vết nào. Màu mây biếc chim bay rồi xóa dấu. Cớ sao lòng ta động vọng tiếng lao xao". Làm sao có thể lấy khoa học hay một thứ triết học nào đó để cắt nghĩa về sự hồn nhiên đẹp một cách tĩnh tại đến như thế. Dường như buổi chiều ấy chúng ta thực sự quên đôi bàn chân guộc gầy của mình ngày ngày trên mặt đất gập ghềnh, mỗi người trong veo niềm tự do khoáng đạt, hát ca tưởng vô hồi vô hạn: "Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng. Có bà mẹ đi tìm con trong động hoa lan vàng. Có bà mẹ đã thành thơ...". Giả dụ buổi chiều đó không ở dưới khóm trúc bên dòng sông Cổ Cò ấy, mà trên một dòng sông khác, sông Hàn chẳng hạn, cũng có thể là một chiều thật đẹp, nhưng chắc là một vẻ đẹp không tinh khiết được như thế này. Dòng sông thánh hạnh hay là tôi cuồng tín nữa cũng không rõ lắm, hay là những niềm cô liêu thăm thẳm, bàng bạc với khói chiều trên con sông lấp lãng quen biết lên tiếng gọi bạn đường. Sẽ khó lòng giải thích về một tương quan nào đó giữa thế giới và con người, bởi lẽ suy tưởng, suy cho cùng cũng chỉ đạt tới những ý tưởng nhưng lại khó bề đạt tới hiện hữu. Và vì thế đức tin, hay nói rõ hơn là niềm đam mê cao cả, dẫn đường cho ta đi tìm mọi ẩn lực của thế giới. Nơi ấy có thể sinh nở ra tình yêu, sinh nở ra một thăng hoa hay một nhiệm mầu, tất cả đều tiềm ẩn sự bí nhiệm kích thích niềm đam mê hướng tới siêu việt.

Hư vô gọi hay là gì tôi không rõ, nhưng dòng sông thi sĩ của tôi ơi, người đã truyền tâm cảm ấy tự bao giờ để tôi ngâm hoài không dứt về một cố hương xa thẳm - nơi sông lấp, sông bồi mà tình yêu ngày ngày cứ mỗi lên xanh!

Nguyễn Nhã Tiên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111126/dong-song-lap.aspx