Dòng sông mùa Xuân về

Tôi lang thang ngắm dòng nước dưới chân mình chảy mải miết mà nghĩ: ngàn đời nay, dòng sông vẫn thế ư? Một năm trôi qua, sông có gì khác trước?

Sông La Ngà là một con sông thuộc miền Đông Nam bộ, là phụ lưu của sông Đồng Nai. Qua địa phận H.Định Quán, dòng lặng lờ trầm mặc và mang theo bao phù sa, bao nỗi niềm của người dân bản xứ.

Năm 2023, một năm đầy khó khăn với người dân nơi đây khi mưu sTôi lang thang ngắm dòng nước dưới chân mình chảy mải miết mà nghĩ: ngàn đời nay, dòng sông vẫn thế ư? Một năm trôi qua, sông có gì khác trước?inh miền sông nước. Làng bè có khoảng 200 hộ dân với khoảng 500 nhà dựng khá kiên cố trên những thùng nổi thành hai dãy thẳng dọc hai bên lòng sông.

Chiều trên sông La Ngà. Ảnh: Lò Văn Hợp

Khởi đầu một ngày mới là phong cảnh bình minh với gió lành lạnh, không khí dịu nhẹ. Ông mặt trời chưa lên vội mà nung hường những làn mây mỏng xa xa rồi dần đậm màu đỏ ửng rọi xuống. Mặt nước dần óng ánh như bao hạt ngọc long lanh. Thế là một ngày bận rộn của người dân trên sông nước đã bắt đầu. Những chiếc thuyền nhỏ chở hành trình tìm kiếm mưu sinh của người dân qua mẻ cá, chở cả cần lao vào những nhà bè để cá tôm nhanh lớn. Những nhà bè trên sông lặng yên trầm mặc chứ không xôn xao như mọi năm. Ở đó, tôi nghe thấy cái chép miệng đắng đót do mất mùa cá, do khó khăn kinh tế nói chung. Ở đó tôi thấy những bữa cơm rau đạm bạc ăn vội trong cà mèn rồi ngả lưng trên nhà nổi mà dập dềnh kiếp sông nước. Ở đó có giọt mồ hôi mặn chát của người cha, người mẹ nhỏ xuống dòng sông mong cá lớn kịp mùa đóng học phí và mua đồ dùng cho con đi học hay sắm sửa đồ tết. Và ở đó còn có cả tuổi thơ với những con thuyền giấy…

Mỗi lần đi ngang qua cây cầu trên tuyến đường nhộn nhịp, tôi nghe âm vang hơi thở cuộc sống, nghe trong làn gió mát có mùi bùn non hay mùi chát mặn mồ hôi của người dân lấm lem tôm cá. Tôi nghe mùi cỏ trong bàn tay ai thoăn thoắt cắt về cho bò, cho dê ăn, lẫn mùi thức ăn của cá trong sóng nước. Tôi nghe cay cay ở bờ mắt khi nghĩ đến những cảnh đời vất vả mưu sinh, chênh vênh giữa dòng sông hay chơi vơi giữa dòng đời. Những đứa con nhỏ bé đã trưởng thành ngoái đầu nhìn lại cây cầu kỷ niệm để mang theo trên suốt hành trình lên thị thành học tập cũng như tìm việc làm.

Ai đó đã thầm thì gửi xuống dòng sông một lời hứa: “Tôi sẽ trở lại!”. Dòng sông buồn buồn vỗ nhẹ bụng nước vào bụi rau bợ ven bờ như nhắc nhở: “Anh cứ đi đi, ráng làm việc tốt, lập nghiệp và trở về thăm em nhé!”.

Cảnh thiên nhiên nơi đây không quá hùng vĩ hay lãng mạn nhưng cũng đủ làm say đắm lòng người. Đứng ở chân cầu nhìn ra xa, hai ngọn đồi hình nón úp như tăng thêm vẻ đẹp sơn thủy. Tượng đài Chiến thắng La Ngà ẩn trong rừng cây và bậc thang làm cho mây bay qua cũng ngập ngừng lỗi nhịp. Vào những ngày tháng năm, mực nước sông La Ngà xuống thấp, mặt nước mênh mông được thay thế bằng những đồng cỏ xanh bát ngát bao phủ tạo thành thung lũng rộng lớn hay một thảo nguyên dưới chân cầu. Con sông bấy giờ như một dải lụa mềm uốn lượn giữa bát ngát xanh. Sông vào mùa mưa, khi mực nước lên cao lại mênh mông, rộng lớn, như cuộc sống có lúc gập ghềnh trào dâng. Dòng sông trở nên hùng vĩ và cuộc mưu sinh cũng đến lúc thắt nút để chuẩn bị hết năm.

Hoàng hôn, ngồi trên cầu ngắm ánh nắng vàng rơi xuống dòng tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng và trữ tình, làm những căng thẳng mệt mỏi trôi theo dòng nước. Mặt trời dần khuất dạng trên ngọn đồi xa. Những tia nắng vàng hoe như còn lưu luyến chút sắc trên mặt nước. Cô gió vui mừng đánh nhịp cho lá cây vui hát rì rào. Từng áng mây trắng, mây hồng bồng bềnh như đang du ngoạn. Thiên nhiên một ngày đang dần kết thúc. Xa xa, người dân làng bè trở về sau một ngày dài làm việc, trên gương mặt hiện rõ niềm vui vì công việc suôn sẻ hay buồn vì chưa hoàn thành những mong đợi.

Đối với tôi, dòng sông La Ngà không chỉ đem lại vẻ đẹp cho thiên nhiên quê hương mà nó còn là dòng sông tha thiết của tình yêu đầu bỡ ngỡ mà tình yêu ấy đã hòa lẫn trong tình đất, tình người. Quê hương tôi thật tươi đẹp và rộng lớn biết bao…

Hạc Nha

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/dong-song-mua-xuan-ve-7ca3f50/