Dòng sông tử thần và bi kịch của di dân bị 'sói đồng cỏ' dụ dỗ

Khi Tổng thống Trump siết chặt chính sách nhập cư, di dân phía nam đến con sông biên giới Mỹ - Mexico ngày một nhiều. Rio Grande là con đường nhanh nhất để họ vượt biên sang Mỹ.

Người thai phụ trẻ tuổi cẩn thận dò từng bước lội về phía bên kia sông. Sau lưng cô là Mexico, còn trước mặt chính là lãnh thổ Mỹ. Nơi cô vượt sông là một đoạn nước nông trên dòng Rio Grande, nhưng sóng cũng đủ cao đến hông.

Thân người xẻ ngang dòng nước xiết, cô gái 19 tuổi vừa trông chừng cá sấu đang chực chờ gần đó, vừa dắt cậu con trai 10 tuổi của bạn mình về hướng canô của biên phòng Mỹ đang neo chờ.

Hành trình dài gần một tháng của cô và bạn bè từ Honduras đến Mỹ kết thúc ngay khi họ an toàn trên thuyền cứu hộ. Người phụ nữ trẻ vẫy tay chào tạm biệt một nhóm người đang dõi theo từ bờ bên kia, trên lãnh thổ Mexico.

Cô gái đã may mắn hơn nhiều người vượt biên khác khi bước chân xuống dòng Rio Grande và đánh cược với số phận.

Một nhóm di dân đến từ Trung Mỹ tìm cách vượt sông Rio Grande sang Texas. Ảnh: New York Times.

Một nhóm di dân đến từ Trung Mỹ tìm cách vượt sông Rio Grande sang Texas. Ảnh: New York Times.

Dòng sông tử thần

Chỉ một ngày trước cuộc giải cứu này, các nhân viên tuần tra biên giới ở thành phố Eagle Pass, Nam Texas, đã tìm thấy một người đàn ông tử vong trên sông Rio Grande. Thi thể phân hủy nặng nề đến mức việc xác định danh tính trở nên vô cùng khó khăn.

Vài ngày trước đó, truyền thông Mexico đăng tải đoạn video một người đàn ông tuyệt vọng bơi ngược dòng nước xiết vượt biên sang Mỹ. Người di dân không rõ danh tính lịm dần rồi chìm xuống sông.

Cũng tại đoạn sông gần thành phố Eagle Pass, các đặc vụ Mỹ đầu tháng 5 đã vớt được thi thể một em bé mới 10 tháng tuổi. Thảm kịch xảy ra khi chiếc bè tạm chở 9 người di dân lật úp. Chỉ có năm người sống sót.

"Những khoảnh khắc buồn trong sự nghiệp là khi tìm thấy người chết. Không may là chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều", Bryan Kemmett, chỉ huy đội tuần tra biên giới tại Eagle Pass, chia sẻ.

"Nhưng điều bi thảm nhất là những vụ trẻ nhỏ tử nạn lại xuất hiện nhiều hơn thời gian qua. Khi bạn nhìn thấy trẻ em, bạn nghe chúng chết dần, bạn thắt lòng nghĩ đến con mình", anh nói.

Di dân trong nhiều năm qua thường dùng bè tạm vượt biên vào Mỹ qua sông Rio Grande. Số gia đình từ các nước Trung Mỹ đổ về tuyến đường này tăng đột biến thời gian qua. Biên phòng địa phương phải giải cứu hàng chục người di cư gần như mỗi ngày.

Những đe dọa liên tiếp của Tổng thống Trump và nỗ lực siết chặt nhập cư không đủ răn đe dòng người đổ về biên giới phía nam nước Mỹ. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) tạm giữ hơn 144.200 người chỉ trong tháng 5, mức bắt giữ hàng tháng cao kỷ lục trong 13 năm qua.

Số người vượt sông Rio Grande để vào Mỹ trái phép tăng nhanh thời gian qua. Ảnh: New York Times.

Riêng trên đoạn sông Rio Grande trải dài hơn 336 km gần Eagle Pass, từ tháng 10/2018 - 5/2019 đã có 315 di dân được canô biên phòng Mỹ giải cứu. Con số này trong 1 năm trước đó chỉ là 12 người.

Ngày 24/6, nước Mỹ lại rúng động bởi hình ảnh thi thể Oscar Martinez Ramirez và con gái Valeria, mới 23 tháng tuổi, được tìm thấy trên bờ sông Rio Grande phía lãnh thổ Mexico. Hai cha con đến từ El Salvador chạy trốn cái nghèo đi tìm "giấc mơ Mỹ" đã vượt biên không thành vào trưa hôm trước.

Họ là những nạn nhân mới nhất của "dòng sông tử thần" và cuộc khủng hoảng nhân đạo đang bị làm ngơ ở phía nam biên giới Mỹ, nhưng có lẽ chưa phải là những nạn nhân cuối cùng.

10 phút là đến Mỹ

Những người di cư trái phép được đưa đến Eagle Pass đều thừa nhận họ hiểu sự nguy hiểm khi vượt sông Rio Grande. Họ chấp nhận điều đó vì, như lời kháo nhau trong giới di dân và những tay buôn người, đây là con đường ngắn và ít phức tạp nhất để đến Mỹ. Chỉ tốn 10 phút băng qua sông là họ có thể bắt đầu xin tị nạn.

Với việc các chốt hải quan được siết chặt quản lý, cộng với chính sách của ông Trump nhằm giảm đáng kể tốc độ xử lý đơn xin tị nạn qua những kênh hợp pháp, người di cư chọn đánh cược tính mạng để sang Mỹ thay vì sự chờ đợi mỏi mòn.

Theo đúng quy định, người nhập cư trái phép được đưa đến các trại tạm giam di trú rồi bị trục xuất về nước trong thời hạn 20 ngày. Tuy nhiên, dòng di dân khổng lồ đổ đến biên giới Mỹ khiến các cơ sở giải quyết quá tải. Nhiều trường hợp còn xin tị nạn hoặc mang theo trẻ nhỏ. Hệ quả là phần lớn di dân bất hợp pháp được tại ngoại và hẹn ngày trình diện tại tòa án nhập cư. Có người được chấp nhận tị nạn, cũng có người đến ở với người thân hoặc bạn bè rồi cứ thế "mất tích".

Lực lượng tuần tra biên phòng ở Nam Texas thường xuyên phải điều canô giải cứu người vượt biên trên sông. Ảnh: New York Times.

Số người nhập cư trái phép thiệt mạng trên những sa mạc giữa Mỹ và Mexico vẫn cao nhất trong các tuyến đường vượt biên. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong trên dòng sông biên giới đang tăng ở mức báo động.

Trong hai năm qua, ít nhất 11 di dân được xác nhận chết đuối trên dòng Rio Grande đoạn đi qua địa hạt Del Rio, Texas. Những thi thể mà biên phòng Mỹ ở đây phát hiện từ năm 2015-2017 dừng ở con số 4.

Randy Davis, phó chỉ huy đội tuần tra biên giới ở Del Rio, nói thủ phạm gây ra tình trạng này là những kẻ buôn người. Đơn vị của ông gọi chúng là "sói đồng cỏ". Các nhóm dụ dỗ người nhập cư rằng đoạn sông giáp Del Rio được ngó lơ và là cánh cửa lý tưởng để vượt biên sang Mỹ. Số di dân được đội của Davis giải cứu cao gấp 3 lần những đoạn sông khác dọc biên giới Mexico cộng lại.

"Chúng tôi đã có hàng trăm cuộc giải cứu. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều trường hợp tử vong không được trình báo mất tích và chúng tôi sẽ tìm thấy thi thể họ một ngày nào đó", Davis chia sẻ.

Nước xiết, trẻ em và cá sấu

Các đơn vị tuần tra biên giới Mỹ đã đăng cảnh báo ngay tại Mexico, tuyên truyền về những hiểm nguy chết người nếu di dân vượt sông Rio Grande. Họ thậm chí khuyến cáo người vượt biên hãy mang áo phao nếu vẫn bất chấp tất cả để sang Mỹ.

Theo Bryan Kemmett, nước sông từ tháng 5 đã dâng thêm cả mét vì đập thủy điện xả nước và mưa lớn nhiều ngày. Dòng sông có những chỗ nông, sâu thất thường. Nhiều đoạn sâu gần 2,5 m. Lòng sông đầy những khúc gỗ hay phế liệu có thể khiến người ta hụt chân rồi bị cuốn theo dòng nước. Biên phòng Mỹ cũng hay phát hiện cá sấu mon men ở những bờ sông.

"Người vượt biên phải để ý dòng chảy, dò bước giữa dòng sông, và giờ thì họ còn phải trông chừng cả cá sấu. Một con cá sấu sẽ không quan tâm phân biệt giữa một đứa trẻ và một con gà có điểm gì khác nhau", Kemmett nói.

"Chúng tôi thấy nhiều trường hợp vượt biên cả gia đình, trong đó số trẻ sơ sinh được mang theo ngày một tăng. Vượt sông với một đứa trẻ 2 tháng tuổi trên lưng hay trước ngực không phải chuyện dễ dàng. Khi sự tuyệt vọng và hoảng loạn xâm chiếm, nhiều người rơi vào cảnh chới với giữa dòng nước xiết", người sĩ quan 24 tuổi kể lại.

Số trường hợp người vượt biên vào Mỹ mang theo cả trẻ em ngày một nhiều. Ảnh: New York Times.

Theo Davis, những nhà kho tại Del Rio mà đơn vị cất trang thiết bị tuần tra cũng được trưng dụng để nhận thêm sữa bột trẻ em, tã giấy, chăn thường và chăn giữ nhiệt cho người di dân. Đơn vị của ông cảm thấy còn lâu tình trạng "cả nhà vượt biên" mới chấm dứt.

Bryan Kemmett nói các đồng nghiệp của anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi như đánh trận lâu năm. Anh cũng không thể hiểu vì sao nhiều người nhập cư "cố tình đặt con mình vào tình cảnh ngặt nghèo" và chấp nhận nguy cơ mất con khi mang chúng theo hành trình đầy hiểm nguy.

Thắc mắc của Kemmett khó có thể tìm thấy được một lời giải chung. Với một số người vượt biên, họ nghĩ mang theo cả vợ con dường như là cách duy nhất để bảo vệ gia đình mình, giống như trường hợp của Angel Gabriel đến từ Honduras.

Người đàn ông 39 tuổi nói anh đến Mỹ để trốn sự truy đuổi sau khi thắng kiện trong một vụ tố cáo cảnh sát địa phương lạm quyền. Anh và vợ, cùng một cậu con trai 16 tuổi và cô con gái 8 tuổi, được giải cứu khi đang chới với giữa dòng sông biên giới vào một trưa tháng 5. Sau khi các đặc vụ kiểm tra xong Gabriel để chắc chắn không mang theo súng hay ma túy, anh chạy ùa đến ôm vợ con mình.

Cả gia đình bốn người òa khóc.

Angel Gabriel ẵm con gái 8 tuổi đang khóc nức nở bước lên xe của biên phòng Mỹ đến trại tạm giam di trú. Ảnh: New York Times.

Thanh Danh
Theo New York Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dong-song-tu-than-va-bi-kich-cua-di-dan-bi-soi-dong-co-du-do-post960705.html