Đóng tàu thay thế Mistrals nhưng Nga quên điều quan trọng!

Chuẩn bị đóng tàu sân bay trực thăng, Bộ Quốc phòng Nga quên rằng họ cần phải đào tạo phi công từ trước...

Ảnh: Tàu sân bay trực thăng Mistrals từng có tên “Vladivostok” tại cảng Saint-Nazaire, Pháp, 2014 (Ảnh: AP / TASS)

Nga đã có kế hoạch đóng 2 tàu sân bay trực thăng đầu tiên ở Crimea. Theo TASS, một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quân sự nói rằng người ta cũng đã dự định đặt tên cho 2 con tàu là “Vladivostok” và “Sevastopol”.

Đây cũng chính là 2 cái tên mà Nga định đặt cho hai chiếc tàu sân bay “Mistrals” dự định mua của Pháp nhưng sau đó lại thôi vì các sự kiện liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine từ năm 2014.

Thời gian khởi công cả hai chiếc tàu cũng đã được xác định. Theo kế hoạch, các tàu sân bay trực thăng sẽ được khởi công vào đầu tháng 5 nhân dịp kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Lễ khởi công dự kiến sẽ diễn ra trước ngày 9 tháng 5 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, nhưng ngày giờ chính xác vẫn chưa được xác định. Thời gian chỉ còn chưa đầy 4 tháng.

Việc đóng hai con tàu, theo Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov, sẽ được tiến hành trong chương trình trang bị vũ khí cho đến năm 2025.

Công ty được giao phó trọng trách này là một doanh nghiệp đã được biết đến từ lâu – Đó là nhà máy “Zaliv” ở thành phố Kerch của Crimean. Khoản tiền theo tính toán sơ bộ để chi phí cho toàn bộ dự án là 40 tỷ rúp.

Việc thực thi dự án đóng các tàu sân bay trực thăng tương lai nghe có vẻ tốt đẹp, song căn cứ vào các báo cáo, cho đến nay, ngay cả thiết kế của các tàu đổ bộ vạn năng (UDC) trong tương lai của Nga vẫn chưa được xác định.

Trọng tải của các con tàu này vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi theo hai phiên bản - 15 nghìn và 25 nghìn tấn. Cũng như số lượng lính thủy đánh bộ trên tàu - từ 500 đến 900 người.

Sự tranh cãi lùm xùm về việc xây dựng các con tàu đổ bộ vạn năng đầu tiên của Nga vào hồi tháng 9 năm 2019 đã được người đứng đầu của Tập đoàn đóng tàu Alexei Rakhmonov xác nhận:

“Tạm thời, tôi chưa thể nói được bất cứ điều gì vì hiện chưa có dự án. Còn việc đóng các con tàu ấy ở đâu - hãy để cho các cấp có thẩm quyền quyết định”.

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng là đến Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Đã đến lúc Kerch phải ký kết thỏa thuận với các nhà thầu phụ, thuê thêm nhân sự cho nhà máy “Zaliv” và giải phóng mặt bằng cho các âu đà.

Bởi vì doanh nghiệp sắp phải đối mặt với sự phức tạp về công nghệ chưa từng có ở Nga hiện nay. Trong thời kỳ hậu Xô Viết, Nga thậm chí chưa bao giờ xây dựng công trình có tầm cỡ như vậy cho Hải quân.

Rất nhiều người nghĩ rằng: Nga sẽ không làm nổi việc này! Ít ra là không thể thực hiện theo đúng thời hạn.

Giả sử nhà máy “Zaliv” sẽ hoàn thành nhiệm vụ do nhà nước giao phó một cách chính xác và đúng thời hạn thì năm 2027, đầu tiên là tàu “Sevastopol” được đóng xong, và sau đó năm 2030, theo chương trình trang bị vũ khí, đến lượt tàu “Vladivostok” hoàn thành và lướt sóng ra khơi thì sẽ lấy ai điều khiển các máy bay bay từ những boong tàu này?

Theo kênh truyền hình “Zvezda”, thì trên mỗi UDC sẽ có hơn 20 máy bay trực thăng hạng nặng. Dựa vào chức năng của những con tàu này, có lẽ chủ yếu là máy bay vận tải và chiến đấu Ka-29 có thể chở theo 16 lính nhảy dù cùng với vũ khí cá nhân hoặc 2000 kg hàng hóa. Và cũng có thể bố trí một số lượng nhất định trực thăng tấn công Ka-52K (“Katran”) và máy bay trực thăng chống ngầm Ka-27PL.

Tổng cộng, đối với các hoạt động chiến đấu của hai UDC này sẽ cần cùng một lúc năm chục máy bay trực thăng trên boong phục vụ cho các mục đích khác nhau. Đây là mức tối thiểu. Bởi vì, còn một bộ phận máy bay chắc chắn sẽ nằm trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, v.v.

Do đó, chỉ riêng cho “Sevastopol” và “Vladivostok” sẽ cần phải thành lập ít nhất hai trung đoàn trực thăng mới trong Hải quân Nga.

Trong khi đó, nhu cầu về máy bay trực thăng cho các mục đích khác nhau của các hạm đội của Nga đang tăng lên nhanh chóng. Điều này được thấy rõ trong Hạm đội Biển Đen.

Nếu như 5 năm trước đây trong biên chế của hạm đội này chỉ có tàu tuần dương tên lửa “Moskva” có khả năng tiếp nhận một máy bay trực thăng duy nhất trên boong, thì cho đến ngày nay, ở Sevastopol đã có 8 chiếc như thế:

Bao gồm 3 tàu khu trục của Dự án 11356 (“Đô đốc Grigorovich”, “Đô đốc Essen”, và “Đô đốc Makarov”), 2 tàu tuần tra Dự án 22160 (“Vasily Bykov” và “Dmitry Rogachev”) và tàu trinh sát “Ivan Khurs”. Ai sẽ là người điều khiển trực thăng trên những boong tàu này?

Có cảm giác là các nhà hoạch định quân sự chưa có được những suy nghĩ đơn giản này. Ít ra, phải bắt đầu đào tạo hàng loạt phi công cho các máy bay trực thăng hải quân tại trường không quân cao cấp duy nhất của loại hình này ở Syzran.

Mãi tới gần đây, người ta mới thông báo rằng từ mùa hè năm nay, sẽ lên kế hoạch tiếp tục đào tạo lý thuyết cho các học viên tốt nghiệp được phân công tới các đơn vị không quân của Hải quân Nga để lái các loại máy bay trực thăng Ka-27PL, Ka-27PS và Ka-29.

Theo tính toán, các phi công đầu tiên học tập ở Syzran, chủ yếu chỉ được huấn luyện về mặt lý thuyết để hạ cánh trực thăng trên boong tàu, phải 5 năm sau, vào năm 2025 họ mới có thể tốt nghiệp. Nhưng chắc chắn không thể cử họ ngay lập tức tác nghiệp trên các con tàu, vì họ sẽ tự mình va quệt và phá hỏng các thiết bị.

Về chủ đề này, Nikolai Kuklev, cựu chỉ huy không quân hải quân Nga nêu ý kiến: “Phi công, trước hết phải học 5 năm ở trường không quân, sau đó phải đào tạo liên tục và kỹ lưỡng trong 10-12 năm nữa.

Chỉ có như vậy, anh ta mới có thể trở thành một phi công trên boong thực thụ. Ít nhất là phải có 15 năm đào tạo. Không có bất cứ cải cách hay nghị định nào có thể cắt giảm được thời hạn này”.

Quan điểm của vị chỉ huy không quân hải quân Nga hiện tại, Anh hùng Nga, Thiếu tướng Igor Kozhin, cũng không khác với ý kiến trên là mấy: “Trước đây... 4 năm học ở trường, và sau khi tốt nghiệp, phi công phải mất 4 năm mới đạt đến bậc 1.

Bây giờ thời hạn này có phần dài hơn, nhưng dù sao nó vẫn là một định hướng rất thực tế - lên đến 10 năm, kể từ khi bắt đầu vào học năm thứ nhất cho đến khi đạt bậc 1”.

Điều đó chỉ ra rằng, việc đào tạo toàn diện một chỉ huy đáng tin cậy và khéo léo trong việc điều khiển máy bay trực thăng trên tàu phải mất từ 10 đến 15 năm! Do đó, những sinh viên dự bị vào trường Syzran vào mùa hè tới, phải đến năm 2030−2035 mới có thể tác nghiệp quen thuộc từ các boong tàu.

Nhưng trung đoàn máy bay trực thăng đầu tiên biên chế cho tàu sân bay trực thăng số 1 phải được thành lập ít ra là 3 năm trước đó, vào năm 2027. Vậy không quân hải quân Nga sẽ lấy ở đâu ra hàng trăm phi công trực thăng được đào tạo cho các trung đoàn mới?

Tại sao lại có sự thiếu hụt này mới xuất hiện trong Lực lượng Vũ trang là điều tương đối dễ hiểu. Gần đây, số lượng tàu sân bay trong Hải quân Nga có thể đếm trên đầu ngón tay. Do đó, Nga cần tương đối ít số phi công ở thể loại này.

Cho đến bây giờ, việc đào tạo phi công cũng vẫn theo cách cũ. Tại Syzran, các phi công lái trực thăng trên tàu cũng được đào tạo chung tại một khóa học cùng với không quân của Lực lượng Mặt đất.

Sau đó, một số người sau khi tốt nghiệp chỉ việc khoác vào người bộ quân phục hải quân với quân hàm màu xanh của không quân rồi được cử đi đào tạo lại tại Trung tâm Huấn luyện Không quân Hải quân số 859 ở Yeysk.

Ở đó, các phi công trẻ lần đầu tiên ngồi sau tay lái trực thăng dòng Ka-27 dưới sự giám sát của các giảng viên giàu kinh nghiệm. Và sau đó tại các hạm đội, họ tiếp tục được huấn luyện bổ sung hàng năm trời trên những chiếc Ka-27 tương tự. Chỉ sau đó, họ mới được phép tự hạ, cất cánh phương tiện trên boong.

Tại sao mọi thứ lại rất khó khăn cho các phi công trực thăng trong hải quân? Phi công thử nghiệm Alexander Cherednichenko đã giải thích về chủ đề này: “Con tàu giống như đang ở đâu đó trong không gian vũ trụ, không có bất kỳ cái gì kìm giữ nó trên mặt biển, trên đường chân trời tự nhiên.

Vào ban đêm, cảm giác như có một ngọn đèn đang cháy sáng trong không gian đen kịt và bạn phải cố làm sao đáp được lên đó ... Nếu bạn không nhìn thấy đường chân trời tự nhiên và cũng không nhìn thấy mặt nước, thì không được dùng mắt thường bám theo bề mặt boong tàu.

Vì nếu như cứ bám theo đó, bạn vô tình sẽ bắt đầu làm cho trực thăng chao đảo và bạn sẽ không bao giờ hạ cánh bình thường được. Cần phải thoát ra khỏi ảo giác đung đưa của boong tàu”.

Để đạt được các kỹ năng như vậy cần phải có nhiều năm bay tập. Những học viên tốt nghiệp trường không quân Syzran khi được điều đến các hạm đội cần phải có thời gian huấn luyện như vậy. Nhưng trên thực tế, người ta đã điều động một cách vội vàng đến các hạm đội những sĩ quan – phi công chưa được đào tạo kỹ lưỡng.

Có thể tránh tất cả những điều không may nếu như đừng nghĩ đến chuyện đóng tàu sân bay trực thăng. Hoặc là sẽ kéo dài việc đóng những con tàu này cho đến khi những học viên tốt nghiệp trường Syzran được đào tạo cho Hàng không Hải quân vào năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đây đang là vấn đề làm các nhà hoạch định quân sự Nga phải đau đầu.

Tất Thịnh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/dong-tau-thay-the-mistrals-nhung-nga-quen-dieu-quan-trong-3395835/