Động thái đáng chú ý ở nền kinh tế số 2 thế giới

Sau nhiều năm tuân thủ quy định kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc không còn như trước. Do đó, giới chức nước này đang nỗ lực khôi phục lòng tin.

Doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc vẫn kém nhiệt sau mở cửa. Ảnh: Reuters.

Vào cuối tháng 3, tỉnh Hải Nam - nơi Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới - đã triển khai một gói sáng kiến sâu rộng nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân. Điểm đáng chú ý nhất là cam kết của chính quyền tỉnh không vô cớ nhắm vào các doanh nhân tư nhân.

“Đối với những doanh nhân liên quan đến các vụ án hình sự, (chính quyền) không nên bắt giữ, truy tố, phạt tù họ nếu không cần thiết”, tuyên bố cho biết. “Nếu không cần thiết tiếp tục giam giữ họ, (chính quyền) nên trả tự do kịp thời hoặc thay đổi các biện pháp thực thi”.

Gói sáng kiến bao gồm hơn 20 biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp tư nhân - khu vực chiếm hơn 60% GDP của Trung Quốc và hơn 80% việc làm.

Chính quyền Hải Nam cho biết các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân và tạo ra một môi trường pháp lý “công bằng và chính trực”.

Tuy nhiên, thông báo gây ra tranh cãi lớn. Trong đó, một số người dùng mạng xã hội chỉ trích động thái này ngụ ý doanh nhân có thể được hưởng các quyền ngoài vòng pháp luật, theo CNN.

Đầu tư tư nhân “giậm chân tại chỗ”

Ngoài Hải Nam, Thượng Hải cũng đang nỗ lực thu hút các dự án đầu tư. Chính quyền thành phố đang trao thưởng lên tới 100 triệu nhân dân tệ tiền mặt (14,53 triệu USD) để thu hút dự án sản xuất trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau mở cửa.

Ngoài khoản tiền mặt, thành phố tung ra một gói trợ cấp gồm 50% khoản thanh toán lãi vay ngân hàng và khoảng 10 triệu nhân dân tệ cho các khoản thanh toán tiền thuê văn phòng, theo SCMP.

Các biện pháp trên được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà phục hồi sau 3 năm kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Tăng trưởng tại nước này đã chậm lại và chạm mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% - mức thấp thứ hai kể từ năm 1976, do ảnh hưởng của đại dịch.

Niềm tin kinh doanh thấp khiến các công ty dè chừng trong việc đầu tư hoặc tuyển dụng. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt là trong giới trẻ.

Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng do đại dịch. Ảnh: Reuters.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách trấn an nhà đầu tư và doanh nhân rằng việc đầu tư trở lại nước này là an toàn.

Tuy nhiên, ông Nicholas Lardy, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), cho rằng chỉ riêng các tuyên bố sẽ khó khôi phục niềm tin của khu vực tư nhân. “Các hành động, chẳng hạn giảm vai trò của (khu vực công) trong nền kinh tế sẽ có tác động mạnh hơn”, ông nói.

Ông Lardy lưu ý đầu tư tư nhân ở Trung Quốc bị đình trệ vào năm 2022, trong khi đầu tư nhà nước tăng mạnh. Nhưng đầu tư nhân thường mang lại hiệu quả cao hơn, tạo ra tăng trưởng kinh tế lớn hơn cho mỗi đơn vị đầu tư.

Song khu vực tư nhân dường như đang kém nhiệt hơn trong năm nay. Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 1 và tháng 2, khoảng cách giữa tốc độ đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân và nhà nước đã nới rộng hơn so với năm 2022.

Đầu tư do nhà nước dẫn đầu tăng 10,5%, trong khi đầu tư tư nhân chỉ tăng 0,8%. Năm 2022, đầu tư nhà nước tăng 10,1%, trong khi đầu tư tư nhân tăng 0,9%.

“Điều này cho thấy các doanh nhân tư nhân vẫn còn thiếu niềm tin, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 và các quan chức gần đây liên tục lên tiếng trấn an”, Tianlei Huang, nhà nghiên cứu và điều phối viên Chương trình Trung Quốc tại PIIE, cho biết.

Chào đón doanh nghiệp nước ngoài

Ngoài chính sách hỗ trợ công ty trong nước, giới chức Trung Quốc cũng chào đón các doanh nghiệp nước ngoài.

Vào tháng 3, Thủ tướng Lý Cường cam kết Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu, đối xử bình đẳng với đầu tư nước ngoài và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư bằng cách dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát của chính phủ.

Một số công ty phương Tây đã chớp lấy thời cơ. Chẳng hạn trong tháng 4, Tesla (TSLA) công bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin mới ở Thượng Hải. Airbus của châu Âu (EADSF) cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng dây chuyền lắp ráp thứ hai ở thành phố Thiên Tân để tăng gấp đôi năng lực sản xuất.

Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết hầu hết doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước vẫn còn tâm lý lo ngại.

“Hầu hết doanh nhân tư nhân, đặc biệt là chủ sở hữu của các công ty vừa và nhỏ, vẫn thích nằm im thay vì đầu tư lớn vào thị trường (này)”, Willy Lam, thành viên cấp cao của Jamestown Foundation - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định.

Vào tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi khu vực tư nhân đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng và cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ bất cứ khi nào họ gặp khó khăn. “Chúng tôi luôn coi các doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân là những người đứng về phía chúng tôi”, ông nói.

Đồng thời, ông Tập cũng đề nghị nhóm công ty tư nhân hỗ trợ các ưu tiên của Trung Quốc, phù hợp với chính sách “thịnh vượng chung”.

Trong bài phát biểu trước các giám đốc điều hành, bao gồm cả giám đốc Xiaomi Lei Jun, ở tỉnh Hồ Nam hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Cường cũng kêu gọi các giám đốc “thúc đẩy sự độc lập và tự lực về công nghệ ở mức độ cao, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp các ngành sản xuất truyền thống”.

Ông cam kết sẽ tạo ra môi trường thân thiện với doanh nghiệp cùng các chính sách định hướng thị trường và dựa trên luật pháp, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất tiên tiến.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-thai-dang-chu-y-o-nen-kinh-te-so-2-the-gioi-post1423070.html