'Động thái không ngờ' của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới tiêm kích F-35

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thân tín của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho hay ông đang cố đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình sản xuất tiêm kích F-35 dù Ankara đã nắm trong tay hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Theo Ahval News, ông Graham còn lên tiếng phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nhằm ngăn cản các quốc gia khác mua vũ khí của Nga.

Tiêm kích F-35. (Ảnh minh họa)

Tiêm kích F-35. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh Tổng thống Trump chưa đưa ra bất cứ biện pháp trừng phạt nào chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, lời bình luận của Thượng nghị sĩ Graham có thể là tín hiệu cho thấy chính quyền Washington muốn gỡ bỏ lệnh đình chỉ Ankara tham gia chương trình F-35 được công bố hồi tháng Bảy, thời điểm những linh kiện trong hệ thống phòng không S-400 đầu tiên được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi đang cố gắng đưa họ trở lại chương trình F-35”, ông Graham nói sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vào ngày 22/9.

Hôm 27/9, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận, Washington đang xem xét để đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình sản xuất tiêm kích F-35.

Hồi tháng Bảy, ông Graham từng cho hay nếu Thổ Nhĩ Kỳ không kích hoạt S-400, Ankara sẽ không bị áp đặt lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, hồi tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lại nhấn mạnh Ankara cần phải loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng không S-400 của Nga, trước khi nghĩ tới chuyện Mỹ cân nhắc đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình F-35.

Trong khi đó, Tổng thống Trump được cho vô cùng tức giận trước việc Mỹ không thể bán 100 tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ như kế hoạch và xem đây là “chuyện bất công”.

Chuyên gia Max Hoffman tại Trung tâm Hành động vì sự tiến bộ của Mỹ cho rằng, Thượng nghị sĩ Graham muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay lại chương trình F-35 bằng sự chấp thuận ngầm của Tổng thống Trump.

Nhưng theo ông Hoffman, “giới chức Nhà Trắng và hầu hết các nghị sĩ Quốc hội Mỹ vẫn thống nhất phản đối việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với chương trình F-35, trừ khi Ankara chịu từ bỏ hoàn toàn S-400”.

Còn trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi chương trình F-35, quốc gia này sẽ mất khoảng 9 tỷ USD giá trị hợp đồng để chế tạo khoảng 1.000 bộ phận cho tiêm kích tối tân.

Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua của Mỹ 30 chiến đấu cơ tàng hình F-35 nhưng sau đó nâng lên thành 116 chiếc. Dù theo kế hoạch, Thổ Nhĩ kỳ đã được tiếp nhận 4 tiêm kích F-35 nhưng thực tế, những chiến đấu cơ tối tân này vẫn chưa được chuyển giao cho Ankara. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã cho dừng chương trình đào tạo cho phi công Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng F-35.

Hồi tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho hay bản thân ông đã đề nghị với Tổng thống Trump về việc mua các tên lửa Patriot của Mỹ dù đã có tên lửa S-400 của Nga.

Minh Thu (lược dịch)

Từ khóa: Mỹ Thổ Nhĩ Kỳ tiêm kích F-35 hệ thống phòng không S-400 mỹ loại thổ nhĩ kỳ khỏi chương trình F-35 đạo luật CAATSA tên lửa Patriot

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dong-thai-khong-ngo-cua-my-doi-voi-tho-nhi-ky-lien-quan-toi-tiem-kich-f35-post314960.info