Động thái làm 'tăng nhiệt'

Những ngày qua, vùng Vịnh lại 'nổi sóng' bởi những căng thẳng giữa Mỹ và I-ran sau khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm thực hiện bước đi chưa từng có tiền lệ trong ứng xử với I-ran. Việc Tổng thống Mỹ Đ.Trăm liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) vào danh sách khủng bố gây lo ngại Tê-hê-ran sẽ tung ra những đòn đáp trả. Một 'chảo lửa' mới có nguy cơ bùng phát nếu các bên liên quan không có động thái hạ nhiệt căng thẳng.

Những ngày qua, vùng Vịnh lại “nổi sóng” bởi những căng thẳng giữa Mỹ và I-ran sau khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm thực hiện bước đi chưa từng có tiền lệ trong ứng xử với I-ran. Việc Tổng thống Mỹ Đ.Trăm liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) vào danh sách khủng bố gây lo ngại Tê-hê-ran sẽ tung ra những đòn đáp trả. Một “chảo lửa” mới có nguy cơ bùng phát nếu các bên liên quan không có động thái hạ nhiệt căng thẳng.

Tiếp tục các bước đi cứng rắn đối với I-ran nhằm gây sức ép để Tê-hê-ran phải từ bỏ những “tham vọng” về chương trình hạt nhân và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân như Oa-sinh-tơn cáo buộc, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm mới đây đã quyết định coi IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Đây là lần đầu Mỹ liệt lực lượng quân sự của một quốc gia vào danh sách khủng bố. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo đã cảnh báo về các biện pháp tăng cường trừng phạt kinh tế đối với I-ran. Theo đó, Tổng thống Đ.Trăm sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với I-ran để buộc nước Cộng hòa Hồi giáo phải thay đổi hành vi. Tất cả các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ chịu những hậu quả nặng nề nếu tiếp tục thực hiện giao dịch với IRGC. Chính phủ Mỹ trước đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một mạng lưới các công ty và cá nhân tại I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) vì cho rằng mạng lưới này cung cấp hàng tỷ USD cho IRGC. 25 cá nhân và tổ chức bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” vì bị cho là “bình phong” của IRGC và Bộ Quốc phòng I-ran.

Là tổ chức an ninh quyền lực nhất, đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị cũng như kinh tế I-ran, IRGC khẳng định lực lượng này sẽ sử dụng mọi biện pháp để chống lại Bộ Chỉ huy trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ. Đáp lại động thái từ phía Mỹ, IRGC tuyên bố CENTCOM cũng như các lực lượng liên quan tại khu vực Tây Á là tổ chức khủng bố. Chỉ huy IRGC cảnh báo hải quân Mỹ phải giữ khoảng cách giữa các tàu chiến của họ với những tàu cao tốc của IRGC tại vùng Vịnh. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni khẳng định, IRGC là lực lượng bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông nhấn mạnh, các thành viên của IRGC đã hy sinh mạng sống để bảo vệ người dân và cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tổng thống Ru-ha-ni coi quyết định của Mỹ là một sai lầm, trong khi các quan chức khác của I-ran cảnh báo rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho các lợi ích của Mỹ tại khu vực. Tổng thống Ru-ha-ni còn cảnh báo, nếu Mỹ gây sức ép với I-ran, Tê-hê-ran sẽ sản xuất hàng loạt máy ly tâm IR8. Ở các thời điểm căng thẳng leo thang với Mỹ, các tư lệnh IRGC nhiều lần tuyên bố rằng, các căn cứ của Mỹ tại Trung Đông và tàu sân bay của Mỹ tại vùng Vịnh đều nằm trong tầm bắn của tên lửa I-ran. Tê-hê-ran cũng cảnh báo sẽ ngăn các chuyến tàu chở dầu đi qua eo biển Hoóc-mút tại vùng Vịnh, nếu Mỹ tìm cách gây sức ép với nền kinh tế I-ran thông qua việc ngăn nước này xuất khẩu dầu mỏ.

Giới phân tích nhận định, việc Mỹ coi IRGC là một “tổ chức khủng bố nước ngoài” có thể phá vỡ các liên kết kinh tế và ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu và làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Nhiều nước lên tiếng kêu gọi các bên tránh có các hành động gây căng thẳng leo thang tại khu vực. Có những cảnh báo cho rằng, động thái của Mỹ có thể khiến những quốc gia đối địch với Oa-sinh-tơn áp dụng biện pháp tương tự nhằm vào các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ. Ngay cả Lầu năm góc và cộng đồng tình báo Mỹ cũng lo ngại rằng động thái của Tổng thống Đ.Trăm có thể dẫn đến sự phản ứng dữ dội nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực “mà không hề gây tổn hại như dự tính đối với nền kinh tế I-ran”. Giới phân tích lo ngại sự trả đũa từ I-ran và các lực lượng Hồi giáo dòng Si-ít ở các quốc gia Trung Đông sẽ làm leo thang cuộc đối đầu trong khu vực và làm phức tạp nhiệm vụ của các lực lượng và giới ngoại giao Mỹ, vốn phải liên kết với các chính phủ có mối liên hệ mật thiết với I-ran và thậm chí với chính I-ran để giải quyết một loạt vấn đề nhạy cảm.

Cùng với việc siết chặt các biện pháp trừng phạt I-ran, động thái mới của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đối với lực lượng IRGC khiến quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi, gây lo ngại làm phức tạp thêm tình hình khu vực. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên cần tránh tạo ra những tiền lệ nguy hiểm gây đối đầu trong các mối quan hệ bởi khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều “điểm nóng” và đang rất cần những động thái làm dịu căng thẳng.

BẢO TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39850502-dong-thai-lam-%E2%80%9Ctang-nhiet%E2%80%9D.html