Đồng Tháp đổi mới quy trình giải quyết thủ tục hành chính

Để tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính, năm 2019, tỉnh Đồng Tháp tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo; quyết liệt trong khâu điều hành, chấn chỉnh hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ, kỷ cương công vụ trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).

Cán bộ Bộ phận một cửa thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: PHÚ THUẬN

Cán bộ Bộ phận một cửa thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: PHÚ THUẬN

Để tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính, năm 2019, tỉnh Đồng Tháp tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo; quyết liệt trong khâu điều hành, chấn chỉnh hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ, kỷ cương công vụ trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).

Tỉnh đang chỉ đạo triển khai Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Đề án).

Giai đoạn 1 và 2 của Đề án được thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công của tỉnh, sáu huyện, thị xã và 27 xã, phường. Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 1-8, thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công của tỉnh; bộ phận “một cửa” các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Thanh Bình và TP Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh), xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự).

Ngoài ra, bộ phận “một cửa” của xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) và Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp nhận và trả kết quả thực hiện các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, các TTHC theo mô hình hẹn giờ và thực hiện các TTHC tại nhà người dân.

* Quảng Ngãi hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới

Năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ngãi gần 940 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương 363 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 376 tỷ đồng và vốn ngân sách các huyện, thành phố khoảng 200 tỷ đồng. Nguồn vốn trung ương đã giải ngân đạt 50,6%, vốn ngân sách tỉnh khoảng 70%. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 60 xã đạt tất cả 19 tiêu chí, tăng một xã so với cuối năm 2018; 19 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 49 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí, 36 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Trong số 25 xã theo kế hoạch sẽ đạt chuẩn NTM trong năm 2019, có một xã đạt tất cả 19 tiêu chí là xã Bình Thanh Tây (huyện Bình Sơn).

Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành kế hoạch đề ra, tỉnh chỉ đạo huyện Nghĩa Hành tổ chức lễ công bố huyện đạt chuẩn NTM; huyện Tư Nghĩa và 25 xã theo kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2019 tập trung hoàn thành các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn NTM. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động hỗ trợ các xã tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn NTM theo đúng kế hoạch.

Trước mắt, các địa phương cần khẩn trương làm đường giao thông nông thôn năm 2019 trước mùa mưa bão; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM phù hợp tình hình thực tế. Tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cân đối lại nguồn lực, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho hai xã bổ sung vào danh sách là xã Bình Hòa (huyện Bình Sơn) và xã Phổ Phong (huyện Đức Phổ), để cuối năm 2020 có ít nhất 98 xã đạt chuẩn theo kế hoạch.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41135902-dong-thap-doi-moi-quy-trinh-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh.html