Đồng Tháp: Gần 90% bến thủy có bãi chứa cát, sỏi chưa chuyển mục đích sử dụng đất

Trong việc tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương đối với bến thủy nội địa có bãi chứa cát, sỏi phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trên địa bàn tỉnh còn nhiều bến thủy nội địa có bãi chứa cát, sỏi chưa hoàn thành chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Một bến thủy nội địa có bãi chứa cát nằm ven kênh Nguyễn Văn Tiếp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Một bến thủy nội địa có bãi chứa cát nằm ven kênh Nguyễn Văn Tiếp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Qua nắm bắt tình hình thực tế từ các địa phương, các cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Tháp và Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III, IV đóng trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp nhận thấy, mặc dù chủ trương và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải đã nêu rõ yêu cầu, lộ trình chuyển đổi, các địa phương đã tuyên truyền, phổ biến đến chủ bến, tuy nhiên, số lượng bến thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất là rất ít. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tổng cộng 716 bến thủy nội địa; trong đó số bến có bãi chứa cát, sỏi là 181 bến, có 22 bến (chiếm 12%) đã chuyển mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh theo quy định và còn 159 bến (chiếm 88%) chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh.

Bãi chứa cát, đá của Cửa hàng vật liệu xây dựng Mười Hồ ở xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) hoạt động nhiều năm nay nên đã được cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Chủ Cửa hàng vật liệu xây dựng Mười Hồ cho biết, cửa hàng rất mong muốn được chuyển mục đích sử dụng khu đất đang làm bãi cát, đá sang đất kinh doanh theo quy định của nhà nước để có thể xin gia hạn giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, khu đất này là do cửa hàng thuê nên không thể chủ động thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.

Cửa hàng vật liệu xây dựng Minh Mẫn ở xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh xây dựng bãi chứa cát, đá trong khu đất rộng hơn 7.000 m2 thuộc loại đất trồng cây lâu năm và lúa, chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng sang đất kinh doanh. Ông Trần Minh Trí, đại diện Cửa hàng vật liệu xây dựng Minh Mẫn cho hay, bãi chứa cát, đá của cửa hàng hoạt động vào năm 2021 và đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép công bố bến thủy nội địa. Ngành chức năng và địa phương chấp thuận cho cửa hàng mở bến thủy nội địa khi hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Cửa hàng đã nộp hồ sơ yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và đang chờ ngành chức năng giải quyết.

Vì chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh nên bãi chứa cát của Cửa hàng vật liệu xây dựng Minh Mẫn chưa được cấp giấy phép công bố bến thủy nội địa. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Cuối năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Cao Lãnh đã đến kiểm tra tại 30 cơ sở kinh doanh, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Qua kiểm tra, có 5 cơ sở chấp hành đúng quy định pháp luật về kinh doanh, khai thác khoáng sản, 25 cơ sở còn lại có từ 1 - 4 hành vi vi phạm. UBND huyện Cao Lãnh đánh giá, các cơ sở kinh doanh mở bến bãi, mua bán khoáng sản (cát) phần lớn là chưa có giấy phép mở bến, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa lập thủ tục về môi trường, không có hóa đơn mua bán cát nhưng cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa kịp thời kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản; trong đó, giao Sở Giao thông Vận tải trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh các nội dung liên quan đến cấp phép hoạt động bến, bãi ven sông chứa cát, sỏi theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh có lưu ý, khi cấp phép mở bến thủy nội địa, giấy chứng nhận sử dụng đất phải là đất kinh doanh, đúng với mục đích sử dụng và phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Cư Trinh, các bến thủy nội địa nói chung, bến có chứa cát, sỏi nói riêng đã hình thành từ lâu, đa số cặp theo những tuyến sông, kênh, thuận lợi về giao thông thủy. Qua tổng hợp ý kiến của các chủ bến, các đơn vị cảng vụ, việc chủ bến chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất do gặp một số khó khăn. Đó là chủ bến không đồng thời là chủ đất (đất thuê) nên không thể chủ động thực hiện thủ tục chuyển đổi. Một số vị trí đất hiện tại là đất ở, khi chuyển đúng mục đích sang đất sản xuất kinh doanh, chủ bến e ngại sẽ làm giảm giá trị đất. Đất đang thế chấp ngân hàng, thủ tục thực hiện khó khăn; một số trường hợp không có kinh phí để chuyển mục đích sử dụng đất.

Do là đất thuê nên bãi chứa cát, đá của Cửa hàng vật liệu xây dựng Mười Hồ (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) chưa thể chuyển mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh.

Bên cạnh đó, sử dụng đất bãi bồi để làm bãi chứa cát, sỏi; đất bãi bồi phía ngoài chắn ngang đất của tổ chức, cá nhân; đất của nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân mở bến tạm sử dụng, khai thác có thời hạn mà mục đích sử dụng đất chưa phù hợp đất sản xuất kinh doanh. Một số trường hợp muốn chuyển đổi mục đích nhưng lại gặp khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Cũng có tình trạng việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan, địa phương, bộ phận “một cửa” các cấp chưa có sự thống nhất, đồng bộ.

Với những khó khăn, vướng mắc trên, Sở Giao thông Vận tải và các ngành, địa phương đã thống nhất một số giải pháp tháo gỡ tạm thời. Các địa phương, các cảng vụ đường thủy nội địa tiếp tục tăng cường hơn nữa việc thông tin, tuyên truyền chủ trương của UBND tỉnh Đồng Tháp để chủ bến nắm, có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trường hợp chủ bến thủy nội địa không thực hiện chuyển đổi sẽ không được xem xét gia hạn thời gian hoạt động, đồng thời, bị xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản giải thích, hướng dẫn về chuyển mục đích sử dụng đất kinh doanh đối với bến thủy nội địa có bãi chứa cát, sỏi, tạo sự thống nhất chung.

Về lâu dài, Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương một số giải pháp. Đối với bến bến thủy nội địa kinh doanh cát, sỏi mở mới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương yêu cầu chủ bến phải chuyển mục đích sang đất kinh doanh. Trước khi thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa, Sở Giao thông Vận tải sẽ có văn bản lấy ý kiến UBND các huyện, thành phố; trường hợp thống nhất, đề nghị UBND các huyện, thành phố đưa vào kế hoạch sử dụng đất, đồng thời, hướng dẫn chủ bến chuyển mục đích sử dụng đất, khi hoàn thành chuyển đổi thì giải quyết thủ tục công bố hoạt động bến thủy nội địa.

Đối với bến thủy nội địa kinh doanh cát, sỏi đã công bố, cấp phép nhưng hết hạn, có nhu cầu công bố lại hoặc gia hạn hoạt động, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục giải quyết công bố lại, gia hạn hoạt động nhưng có thời hạn không quá một năm, đề nghị chủ bến ký cam kết lộ trình chuyển đổi. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các chủ bến có thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; đảm bảo hoạt động cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kiên quyết đình chỉ, thu hồi quyết định công bố hoặc giấy phép, văn bản gia hạn nếu chủ bến cố tình không chấp hành quy định, không đủ điều kiện hoạt động.

Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/dong-thap-gan-90-ben-thuy-co-bai-chua-cat-soi-chua-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-20230317114045195.htm