Đồng Tháp hướng đến những ngôi làng thông minh từ mô hình Hội quán

Ngày 17-10, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo đề tài 'Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình Hội quán'. Mô hình Hội quán là sáng kiến của Đồng Tháp nhằm kích hoạt sự sáng tạo, liên kết của cộng đồng, từ đó hướng tới chung tay xây dựng những ngôi làng thông minh trong tương lai.

Một buổi sinh hoạt hội quán tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

NDĐT - Ngày 17-10, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo đề tài “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình Hội quán”. Mô hình Hội quán là sáng kiến của Đồng Tháp nhằm kích hoạt sự sáng tạo, liên kết của cộng đồng, từ đó hướng tới chung tay xây dựng những ngôi làng thông minh trong tương lai.

Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, các đại biểu đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành của tỉnh Đồng Tháp và chủ nhiệm các Hội quán.

Mô hình Hội quán là sáng kiến mới của tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đang thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học về mô hình này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt thực hiện Đề tài “Làng thông minh từ mô hình Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”.

Từ mô hình “Canh tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, được thành lập vào năm 2016, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 84 Hội quán, với gần 4.800 thành viên (trong đó có 3.370 hội viên nông dân, 1.050 đảng viên, gần 130 doanh nghiệp,…) có 17 hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán. Nhìn chung, các Hội quán trên địa bàn tỉnh đa dạng ngành nghề: sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, làm du lịch,…

Các Hội quán ra đời dựa trên sự tự nguyện tham gia của người dân, cơ chế hoạt động không biên chế, không ngân sách. Hội quán là nơi trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin từ chuyện nhà, chuyện xóm làng, an ninh trật tự, kinh nghiệm làm ăn, xây dựng nông thôn mới, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Linh hoạt trong sinh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận thống nhất về không gian, thời gian, không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Quang cảnh hội thảo.

Về kinh tế, các Hội quán đã hướng tới phát triển các loại hình hợp tác, liên kết hiệu quả hơn. Bước đầu một số Hội quán đã ký kết với hệ thống siêu thị Coopmart, Vinmart,... trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời, người dân từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng sự ra đời của Hội quán là nhu cầu khách quan. Người dân muốn có không gian để sinh hoạt, trao đổi, chia sẻ kỹ thuật mới, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh,… Bên cạnh đó, Hội quán ra đời góp phần đưa hình ảnh của Đảng ngày càng đến gần dân hơn. Thông qua Hội quán, công tác phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các chương trình trọng tâm của tỉnh thuận lợi hơn.

Đại biểu cũng đưa ra so sánh sự tương đồng của mô hình Hội quán với một số mô hình khác trên thế giới, với điểm chung đó là kích hoạt sự sáng tạo, liên kết với nhau. Đồng thời cho rằng không nên áp mô hình một cách cứng nhắc vì mỗi Hội quán có sự khác nhau, rất đa dạng; cần xác định rõ mô hình hội quán là cái của cộng đồng. Khi phát triển mô hình hội quán cần nhìn nhận rõ hơn những hạn chế của mô hình để khắc phục. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn vì nội dung sinh hoạt của không ít Hội quán còn đơn điệu, chưa phong phú.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định, Hội quán ra đời không chỉ để giải quyết những việc ở hiện tại, mà đó là chung tay xây dựng một xã hội tương lai. Sau Hội quán, sau nông thôn mới sẽ là những ngôi làng thông minh. Đây là điều mà Đồng Tháp đang hướng đến.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/41928602-dong-thap-huong-den-nhung-ngoi-lang-thong-minh-tu-mo-hinh-hoi-quan.html