Đồng Tháp kích cầu du lịch sau thời gian 'ngủ đông'

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh đón khoảng 1,2 triệu lượt khách (giảm 40,18% so với cùng kỳ năm 2019), tổng thu du lịch ước đạt 300 tỷ đồng (giảm 42,41%).

Để khuyến khích người dân và thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại các khu di tích, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong trạng thái bình thường mới, Đồng Tháp triển khai Chương trình kích cầu du lịch bắt đầu từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020. Theo nhận định của lãnh đạo ngành du lịch, đây là "thời cơ vàng" để vực dậy ngành du lịch sau thời gian “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giảm giá để kích cầu

Làng hoa kiểng Sa Đéc thu hút khách đến du lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Làng hoa kiểng Sa Đéc thu hút khách đến du lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, Chương trình kích cầu du lịch phấn đấu đón 1,5 triệu lượt khách, tập trung vào các sự kiện như: Lễ giỗ Ông Bà Đỗ Công Tường, Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ hai cụ Thiên hộ Võ Duy Dương - Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp, làng hoa Sa Đéc… Ngoài ra, việc kích cầu sẽ gắn với việc thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa đi kèm với du lịch, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm từ nông sản và đặc sản địa phương, nhất là 70 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Ngành du lịch Đồng Tháp khuyến khích các khu, điểm du lịch giảm phí tham quan cho khách du lịch hoặc miễn vé tham quan cho các đoàn khách có sử dụng dịch vụ ăn uống, trải nghiệm, tại khu điểm du lịch; khuyến khích các khách sạn từ 1 - 3 sao tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá phòng ngủ từ 20 - 40%. Mặt khác, địa phương cũng khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng các chương trình tham quan du lịch nội tỉnh với giá khuyến mại giảm giá từ 10 – 20%…

Nắm bắt cơ hội vực dậy du lịch, 16 đơn vị bao gồm các khu văn hóa, di tích, điểm tham quan, khách sạn, công ty du lịch… trên địa bàn tỉnh đã đăng ký giảm giá vé tham quan, dịch vụ ăn uống, lưu trú từ 10 - 20%, thậm chí có nơi giảm đến 50% hoặc 100% (tùy theo đối tượng).

Ông Lê Hoàng Long - Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim, huyện Tam Nông thông tin, là đơn vị khai thác khu lịch tại Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar thứ 2000 của thế giới nên có lợi thế về hệ thống sinh vật phong phú với những nét đặc trưng riêng biệt để phát triển du lịch sinh thái. Dựa vào đặc điểm này, đơn vị khai thác các dịch vụ du lịch trải nghiệm như “ngoạn cảnh vườn” bằng các phương tiện thủy len lỏi dưới tán tràm để ngắm nhìn chim trời, cá nước..., chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh đồng sen hồng, sen trắng, lúa trời, nắng kim… Đặc biệt, trong thời gian mùa nước nổi từ tháng 8 - 11 âm lịch (khoảng tháng 9 - 12 dương lịch), du khách được trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng ngập lũ qua việc chèo xuồng, giăng lưới, đặt lợp, đặt trúm, săn chuột đồng và gặt lúa trời…

Là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến Đồng Tháp, Khu du lịch Tràm Chim sẽ thực hiện giảm phí để thu hút khách trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, giá vé tham quan giảm 20% đối với đoàn khách 5 người, giảm 50% cho đoàn 10 người và giảm 100% đối với khách dưới 16 tuổi; khi sử dụng dịch vụ ăn uống sẽ được giảm 10% hóa đơn.

Ông Võ Tiến Thành - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong thời điểm ngành du lịch gặp khó khăn, các điểm du lịch không nên chú trọng về lợi nhuận, thay vào đó cần hướng đến việc đảm bảo doanh thu để duy trì hoạt động, nguồn nhân lực. Các đơn vị lữ hành nên thu hút khách đến Đồng Tháp bằng việc xây dựng các tour ngắn ngày, tour đi theo nhóm, gia đình, khách lẻ, khám phá sinh thái, miệt vườn. Trong điều kiện thời tiết hiện nay, Đồng Tháp nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có khí hậu tương đối mát mẻ với các vườn cây ăn trái, hệ thống sông ngòi… nên khả năng khách nội địa sẽ ưu tiên các tuyến, điểm du lịch này.

Theo ông Thành, các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn cần liên kết xây dựng các gói sản phẩm du lịch Đồng Tháp bao gồm dịch vụ ăn - nghỉ - du lịch; từng điểm du lịch có thể xây dựng gói sản phẩm riêng biệt. Thêm vào đó, cần tận dụng mạng xã hội, các trang mạng du lịch để quảng bá Chương trình kích cầu du lịch Đồng Tháp… Trong giai đoạn này, việc giảm giá nhưng không giảm chất lượng mà phải đảm bảo rằng du lịch Đồng Tháp luôn tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Cần tạo dấu ấn mới

Vườn cây Chà là ở Làng hoa kiểng Sa Đéc thu hút khách đến tham quan. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Viettravel khu vực Tây Nam Bộ chia sẻ: Đồng Tháp cũng như các tỉnh Tây Nam Bộ là các tuyến điểm Viettravel hướng đến để giới thiệu cho du khách nội địa. Tuyến miền Tây đang là những sản phẩm được du khách quan tâm, trong đó Đồng Tháp là điểm đến rất tốt với những sản phẩm du lịch đặc thù, có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng phát triển, cập nhật những sản phẩm mới. Vì vậy, Đồng Tháp hoàn toàn có khả năng đáp ứng khả năng kích cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên địa phương cần quan tâm đầu tư thêm các sản phẩm du lịch mới, kết nối các điểm để phát huy lợi thế giữ chân du khách, tạo sự hấp dẫn cho du khách về Đồng Tháp nhiều hơn.

Bà Trần Thị Hồng Thi - Phó Giám đốc Saigontourist cho biết, tại Đồng Tháp, Saigontourist đang khai thác tour 1 ngày, 2 ngày với các tuyến Cao Lãnh - Sa Đéc, Cao Lãnh - Tràm Chim, tour Sa Đéc - Long Xuyên - Châu Đốc và Bạc Liêu - Cà Mau - Hà Tiên - Châu Đốc – Sa Đéc. Định hướng khai thác các sản phẩm tại Đồng Tháp vẫn là các tour Tết - tham quan làng hoa, tour mùa nước nổi - tham quan cảnh quan và đời sống của người dân địa phương. Song theo bà Thi, để hút khách, điều đầu tiên là giá dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch phải thật sự hấp dẫn, điều này sẽ giúp các công ty lữ hành có các gói sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng.

Ngoài ra, hiện tại các điểm tham quan đã quá quen thuộc, tỉnh cần giới thiệu thêm những điểm, sản phẩm du lịch mới để khách trở lại trong những lần tiếp theo. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, từ ngày 28/4 các khu di tích, điểm du lịch bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại nhưng lượng khách đến rất ít.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, số khách đến các khu điểm du lịch chỉ đạt 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2019. Song các điểm tham quan “mới toanh” như vườn trái cây ở huyện Châu Thành, vườn chà là ở Sa Đéc, vườn dâu Tháp Mười lại thu hút đông đảo khách đến tham quan, ước tính mỗi ngày có đến 2.000 lượt du khách. Điều này cho thấy các điểm du lịch mới hoặc khai thác các sản phẩm du lịch mới tại các điểm du lịch cũ trên cơ sở thế mạnh địa phương là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là giai đoạn tái cấu trúc sản phẩm du lịch trong điều kiện phòng, chống dịch, trong đó cơ cấu lại thời điểm du lịch (chủ yếu là cuối tuần), sự kiện và thời gian ngắn. Trong giai đoạn này, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của từng điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nâng cấp, làm mới chính mình; thêm vào đó, du khách hiện nay đòi hỏi sự an toàn khi trải nghiệm, vì vậy cần lưu ý về công tác phòng, chống dịch, môi trường, an ninh; thái độ phục vụ mang tính chuyên nghiệp, loại hình du lịch cần gắn với từng đối tượng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, điều thiết yếu nhất là cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trên tinh thần đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, tránh lây chéo, phát tán mầm bệnh. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch về các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện việc khai báo y tế đối với toàn bộ khách lưu trú; kịp thời phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng các trường hợp tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người nhiễm, người nghi mắc virus SARS-CoV-2.

Theo ông Thương, ngành Du lịch Đồng Tháp cần quan tâm đến việc bất kể thời gian du lịch ngắn hay dài nhưng khách du lịch đặt chân đến địa phương và rời đi sẽ đọng lại ấn tượng gì, trải nghiệm ra sao, đặc biệt là tâm lý muốn trở lại lần 2, thậm chí lần 3. Do đó, bên cạnh việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên vùng, liên tỉnh, nội tại ngành Du lịch Đồng Tháp sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phát huy giá trị và đổi mới các sản phẩm thế mạnh địa phương.

Chương Đài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/du-lich/dong-thap-kich-cau-du-lich-sau-thoi-gian-ngu-dong-20200530072030894.htm