Đồng Tháp: Phát huy giá trị văn hóa-kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 2 với chủ đề 'Rạng ngời sắc Sen' sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sen Tháp Mười.

Mô hình trồng sen kết hợp với du lịch ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 2 với chủ đề "Rạng ngời sắc Sen" sẽ diễn ra từ ngày 16-19/5 ngay trong dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).

Lễ hội bao gồm loạt hoạt động hấp dẫn trong trong không gian ngập tràn sắc sen hồng tại thành phố Cao Lãnh và các huyện Tháp Mười, Tam Nông.

Đó là các hoạt động như Thực hiện Bản đồ Việt Nam từ sen; trưng bày không gian sen với 66.000 chậu sen, gần 60 giống sen; triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề "Sen hồng tỏa ngát;" triển lãm hiện vật kim loại, gốm Nam Bộ với nội dung họa tiết hoa sen trên hiện vật bảo tàng; trải nghiệm vẽ tranh sen trên nón lá; diễu hành áo dài sen; đêm thơ nhạc "giai điệu đất Sen hồng;" thi thiết kế sản phẩm quà tặng từ sen; giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản ẩm thực từ sen.

Theo Ban tổ chức lễ hội, đây là một trong các hoạt động điểm nhấn góp phần tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa-kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, thu hút du khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp nhiều hơn, trải nghiệm đa dạng hơn.

Vùng trồng sen ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/ TTXVN)

Trong khuôn khổ lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024 còn có hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp; trekking đi giữa Mùa Sen-Tràm Chim; tour du lịch trải nghiệm sen; hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen,Lễ hội Carnival Sen.

Đồng Tháp là vùng đất trù phú và có nhiều đồng sen nhưng nổi bật nhất là khu du lịch đồng sen Tháp Mười ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách thành phố Cao Lãnh gần 40km.

Đường đi đến đây cũng khá dễ dàng. Sen Đồng Tháp nở quanh năm nhưng đồng sen đẹp nhất vào mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11).

Du khách đến đây sẽ bất ngờ trước tấm thảm sen trải rộng tít tắp tầm mắt với sắc xanh mướt của lá lại điểm xuyết màu hồng dịu ngọt của hoa, màu vàng thanh thoát của nhụy… tạo nên bức tranh đồng quê tuyệt đẹp không dễ gì tìm thấy ở chốn thị thành.

Trong đồng sen người ta làm rải rác một số chòi lá cho du khách ngắm hoa, nghỉ ngơi, ăn uống. Nối các chòi là lối đi bằng gỗ, vừa mộc mạc vừa hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên.

Du khách có thể di chuyển sâu vào trong đồng sen trên chiếc xuồng ba lá nhỏ lướt chầm chậm trên mặt nước, hòa mình vào những làn gió mát, trong mùi hương sen thơm dịu, làm cho những lo lắng, muộn phiền của cuộc sống đời thường dường như tan biến.

Sen ở đây rất độc đáo, hoa bắt đầu nở từ sáng sớm có sắc trắng, đến trưa thì chuyển sang màu hồng, đến khoảng 15 giờ chuyển thành màu hồng đậm và hóa đỏ khi Mặt Trời lặn. Cứ lặp lại như vậy 3 ngày thì hoa chuyển sang màu tím thẫm rồi tàn.

Đến Đồng Tháp, du khách còn có cơ hội được thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương trong đó không thể thiếu sự góp mặt của sen như cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen, sữa sen và cả trà sen nữa.

Đại biểu thực hiện nghi thức công bố xuất khẩu lô củ sen sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng hiệu quả kinh tế, những năm qua, diện tích, sản lượng cây sen ở Tháp Mười ngày càng được nâng lên. Sen hiện là 1 trong 5 ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện và được chú trọng quy hoạch, xây dựng thương hiệu, hình ảnh.

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen đạt 1.000ha; trong đó, tập trung phát triển 5 vùng nguyên liệu sen tại các xã Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.

Mục tiêu trồng sen ở Tháp Mười là hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tính bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi chuỗi giá trị sản phẩm sen Tháp Mười.

Công nhân sơ chế củ sen tại Nhà máy của Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt (huyện Tháp Mười). (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tỉnh Đồng Tháp đề ra giải pháp hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc; duy trì và nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP, có ít nhất 25 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP; trong đó, 5 sản phẩm đề xuất cấp quốc gia, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sen đạt chuẩn OCOP.

Mới đây nhất, sáng 7/5/2024, tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, Hội Ngành hàng sen Đồng Tháp phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô củ sen sang thị trường Nhật Bản với giá trị đơn hàng gần 1 tỷ đồng.

Việc xuất khẩu củ sen chính ngạch sang thị trường Nhật Bản là tín hiệu tích cực để nông dân huyện Tháp Mười có thể phát triển thêm mô hình trồng sen lấy củ, đưa sen Đồng Tháp thâm nhập vào những thị trường có yêu cầu cao trên thế giới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dong-thap-phat-huy-gia-tri-van-hoa-kinh-te-cho-cac-san-pham-che-bien-tu-cay-sen-post945080.vnp