Dòng tiền có còn 'kiêng' tháng cô hồn?

Tâm lý 'có kiêng có lành' theo quan niệm của dân gian trong tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng Ngâu hay tháng cô hồn) được đánh giá là sẽ có tác động không lớn tới thị trường chứng khoán năm nay. Thay vào đó, các thông tin từ vĩ mô trong nước cũng như quốc tế sẽ là yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Thanh khoản và điểm số được dự báo sẽ tích cực hơn trong tháng Ngâu năm nay. Ảnh: N.Hiền

Kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường

Nhận định về khả năng tâm lý “kiêng” trong tháng 7 âm lịch của nhà đầu tư, ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Everest cho rằng, nhìn chung tâm lý nhà đầu tư sẽ có ảnh hưởng, nhưng mức độ không nhiều. Bằng chứng là thanh khoản trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 âm lịch (phiên 13/8) đã tăng lên mức 5.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Sự tích cực vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch ngày 14/8 với thanh khoản đạt trên 4.000 tỷ đồng, VN-Index tiếp tục tăng lên 978,04 điểm.

“Thị trường đang ở trong giai đoạn đi lên. Đây là khởi đầu khá tích cực cho tháng Ngâu – vốn được dân gian cho là thời điểm sẽ có nhiều diễn biến “lành ít, dữ nhiều” – ông Tuấn nói.

Nhìn lại lịch sử những năm trước, thị trường thường có diễn biến “lình xình” trong tháng 7 âm lịch với thanh khoản èo uột. Lý giải cho hiện tượng này, giới phân tích cho rằng do tháng 7 âm lịch thường rơi vào tháng 8 (dương lịch). Đây là thời điểm thị trường thường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ do mùa công bố kết quả kinh doanh quý II đã kết thúc. Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm các DN công bố báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm.

Theo đó, trong những năm trước, nhiều trường hợp DN bị giảm lãi, thậm chí từ lãi chuyển thành lỗ sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán đã tác động tiêu cực tới thị trường.

Trong khi đó, dòng tiền của khối ngoại vẫn chưa quay trở lại do những tác động từ chính sách của FED, biến động do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và sự tăng lên của tỷ giá. “Việc tỷ giá nhảy múa trong những ngày gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Bởi khoản đầu tư của họ rất có thể sẽ bị lỗ hoặc giảm lãi so với kỳ vọng nếu tỷ giá tiếp tục tăng lên” – ông Tuấn nhìn nhận.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những lo ngại về chiến tranh thương mại trong nhiều tháng qua đã dần lắng xuống, FED có khả năng sẽ không tăng lãi suất trong tháng 8.

Do đó, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường. Thực tế VN-Index đang trong nhịp phục hồi sau đợt giảm điểm mạnh từ tháng 4/2018, kết quả kinh doanh quý II/2018 của các DN cũng khá tích cực với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên tới 19%. Theo đó, nhiều công ty chứng khoán cho rằng thị trường chứng khoán trong tháng 7 âm lịch năm nay sẽ có sự khác biệt với diễn biến tích cực cả ở điểm số và thanh khoản.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng, giữ tỷ trọng tiền mặt cao và tập trung lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn do các yếu tố bất ổn vẫn đang “rình rập”, vấn đề tỷ giá vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

VN-Index có thể lặp lại mốc 1.000 điểm?

Với diễn biến tích cực trong những phiên gần đây, việc chỉ số VN-Index quay trở lại mốc 1.000 điểm được đánh giá là không có gì khó khăn.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc chỉ số có lên lại 1.000 điểm hay không không phải là vấn đề quan trọng. Theo đó, điểm số đi ngang nhưng thanh khoản tăng lên là tốt nhất. Bởi việc thanh khoản tăng cho thấy dòng tiền đã trở lại với thị trường.

Ông Tuấn dự báo, thời gian tới, nhà đầu tư sẽ có xu hướng giao dịch theo các trục, việc mua – bán sẽ diễn ra ở từng nhóm cổ phiếu, từng ngành. Do đó, chỉ số sẽ không tăng giảm nhiều mà đi ngang trong xu hướng tăng nhẹ.

“Điều này sẽ giúp thị trường có diễn biến ổn định thay vì tăng “nóng” sau đó giảm sâu như trong quý II. Hơn nữa, nếu tăng giảm quá mạnh, yếu tố tâm linh sẽ quay trở lại với lý do “tại tháng cô hồn” để giải thích cho diễn biến thị trường. Điều này hoàn toàn không tốt và có thể sẽ tạo “dớp” cho tháng 7 âm lịch của những năm sau” – ông Tuấn nhìn nhận.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dong-tien-co-con-kieng-thang-co-hon.aspx