Đồng tiền phục hồi, một loạt nước châu Á vẫn được khuyên 'cẩn trọng'

Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á đang trong xu hướng phục hồi mạnh sau khi mất giá trong 2018. Tuy nhiên, một nhà dự báo tỷ giá vào hàng chính xác nhất vừa lên tiếng cảnh báo rằng các nước trong khu vực đang lạc quan thái quá về tỷ giá.Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á đang trong xu hướng phục hồi mạnh sau khi mất giá trong 2018...

Đồng Rupiah của Indonesia được cho là đối mặt nhiều rủi ro tỷ giá do nước này có thâm hụt cán cân vãng lai - Ảnh: Nikkei.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg, bà Frances Cheung, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực châu Á của Westpac Banking, nói rằng kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm ngừng nâng lãi suất, thậm chí là giảm lãi suất trong 2019 là nhân tố chính thúc đẩy các đồng tiền ở khu vực châu Á tăng thời gian gần đây.

Một chỉ số đo tỷ giá các đồng tiền trong khu vực đang ở ngưỡng cao nhất trong 6 tháng dù xuất khẩu đang gặp khó.

Bà Cheung nhấn mạnh rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn có thể đổ bể, và các quốc gia có thâm hụt cán cân vãng lai như Ấn Độ và Indonesia có thể đối mặt với rủi ro từ các cuộc bầu cử trong năm nay.

Theo xếp hạng của Bloomberg, bà Cheung là nhà dự báo chính xác nhất về tỷ giá đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi trong quý 4/2018.

"Các nhà đầu tư đang cần sự chắc chắn chứ không phải những lời hứa, để từ đó xác định xem liệu có sự chuyển biến tích cực trong nhu cầu của thị trường toàn cầu", bà Cheung nói.

Sau khi chạm đáy vào tháng 11 năm ngoái, chỉ số của Bloomberg đo sức mạnh đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi châu Á đến nay đã tăng hơn 2%.

Ngoài kỳ vọng về chính sách của FED, hy vọng Mỹ-Trung đạt thảo thuận thương mại cũng là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phục hồi này. Các đồng tiền của khu vực đang khởi sắc cho dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của châu Á đang chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại.

Xuất khẩu tháng 12 của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái, và sự suy giảm tương tự cũng diễn ra đối với Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia. Chỉ số ngành chế biến-chế tạo đã giảm dưới ngưỡng 50 ở một loạt nền kinh tế gồm Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia, một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của ngành này.

"Chúng tôi vẫn rất thận trọng về khả năng có một thỏa thuận thương mại", bà Cheung phát biểu. "Mỹ đặt ra ngưỡng rất cao để Trung Quốc có thể đáp ứng để hai bên đạt thỏa thuận".

Nhà dự báo này còn nhấn mạnh những vấn đề khó giải quyết trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung như quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Trong số các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi châu Á, Westpac bi quan nhất về đồng Rupee Ấn Độ và Rupiah Indonesia, bởi hai quốc gia này đều có thâm hụt cán cân vãng lai.

Từ đầu năm đến nay, các đồng tiền châu Á tăng giá mạnh nhất gồm có đồng Baht của Thái Lan, Rupiah của Indonesia, và Nhân dân tệ của Trung Quốc, với mức tăng tương ứng lần lượt là 2,6%, 1,5%, và 1,2%.

Giảm mạnh nhất khu vực là đồng Rupee của Ấn Độ, với mức giảm 2,3%.

Thăng Điệp

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/dong-tien-phuc-hoi-mot-loat-nuoc-chau-a-van-duoc-khuyen-can-trong-20190123110346242.htm