Đông trùng hạ thảo nuôi có quý như loại tự nhiên?

'Sau khi thu hoạch, cách sơ chế nếu không bảo đảm ở nhiệt độ -50 độ C hoặc bảo quản không đúng chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết', TS Phạm Văn Nhạ nói.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam - minh bạch và phát triển", TS Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm - Bộ NNPTNT) cho biết hiện nay hoạt động khai thác đông trùng hạ thảo đang có 2 nguồn đó là tự nhiên và nuôi cấy.

Trong đó, dù lựa chọn được chủng nấm tốt, song quá trình nuôi cấy có môi trường không tốt, sản phẩm chất lượng cuối cùng cũng không thể tốt.

“Sau khi thu hoạch, cách sơ chế nếu không bảo đảm ở nhiệt độ -50 độ C hoặc cách bảo quản không đúng chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết”, TS Phạm Văn Nhạ nói.

TS Phạm Văn Nhạ, Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm - Bộ NNPTNT).

Bên cạnh đó, giá của đông trùng hạ thảo đang tạo ra mê trận với người dùng. Giá bán một số nơi từ 1-2 triệu đồng/lạng nhưng có doanh nghiệp cạnh tranh bán chỉ 3,5 triệu đồng/kg, tức là chỉ 350.000 đồng/lạng, thấp gấp 3-6 lần doanh nghiệp khác. Đặc biệt, hàm lượng cao bất thường trong sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng cho thấy thị trường phát triển còn khá lộn xộn.

“Để xảy ra tình trạng này chính là do một nhóm doanh nghiệp kinh doanh sản xuất không có lương tâm, sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi kiểm nghiệm chất lượng, chỉ số về thành phần tinh chất chính có thể lên tới hơn 10 mg, chứng tỏ sản phẩm đó có vấn đề”, TS Nhạ cho hay.

Ông Lê Văn Giang, Phó Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Giang, Phó Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, cơ quan chức năng có phiếu kiểm nghiệm đánh giá hàm lượng adenosin và cordycepin để đánh giá sản phẩm đó có được gọi là đông trùng hạ thảo hay không và có bao nhiêu thì được gọi là đông trùng hạ thảo.

Tuy nhiên, câu chuyện xác định đó hiện còn gặp khó khăn. Do Việt Nam hiện chưa có quy định có tính chất pháp lý về hàm lượng nhộng trùng nên chưa đủ cơ sở xác định từng loại sản phẩm thế nào là đông trùng hạ thảo. Việc dự vào chỉ số adenosin cũng có thể bị lẫn với các loại nấm tại Việt Nam.

"Do đó, cần có sự phân biệt đông trùng hạ thảo loại A, loại B để phân biệt hàm lượng trong từng loại để đưa ra cái tên cho đông trùng hạ thảo", ông Giang nói.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dong-trung-ha-thao-nuoi-co-quy-nhu-loai-tu-nhien-post872686.html