Đồng USD giảm vị thế ở Trung Đông

Iraq vừa cấm các giao dịch bằng USD. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có kế hoạch bán dầu mà không sử dụng đồng USD và đang hướng tới thiết lập một loại tiền tệ hoàn toàn mới để thay thế. Những diễn biến ở Trung Đông cho thấy sự thống trị của đồng USD trong khu vực dường như đang đổi chiều.

Giao dịch bằng nội tệ ở Iraq

Giao dịch bằng nội tệ ở Iraq

Tìm giải pháp thay thế

Trong nhiều thập niên, đồng USD là đơn vị tiền tệ giá trị nhất ở Trung Đông, nhưng xu hướng này dần thay đổi. Theo tờ Deutsche Welle (Đức), bất cứ ai ở Iraq muốn mua một chiếc ô tô hoặc một căn nhà từ thời điểm này phải đối mặt với quy định mới vì từ ngày 14-5, Chính phủ Iraq tuyên bố cấm thực hiện các giao dịch cá nhân hoặc kinh doanh bằng đồng USD. Từ trước đến nay, người Iraq thường mua những món hàng đắt tiền bằng USD, do đồng dinar liên tục mất giá nên họ sử dụng USD để thay thế.

Lệnh cấm này xuất phát từ việc giới chức trách Mỹ gây khó khăn hơn cho việc đưa USD vào Iraq do lo ngại tiền mặt của Mỹ sẽ được chuyển lậu sang nước Iran láng giềng vốn đang bị trừng phạt. Sự thiếu hụt USD đã dẫn đến sự biến động về giá trị của đồng dinar. Đầu năm nay, một phần do cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, Iraq cho biết họ sẽ giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ (NDT) thay vì USD. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, nước này sẵn sàng bán dầu bằng các loại tiền tệ khác nhau, bao gồm cả đồng EUR và đồng NDT. UAE cho biết sẽ giao dịch với Ấn Độ bằng đồng rupee của Ấn Độ. Ai Cập đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm giúp chính phủ huy động tiền bằng đồng NDT.

Ngoài ra, một số quốc gia Trung Đông như Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Algeria và Bahrain cho biết muốn tham gia khối BRICS, trong đó gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nga đã thông báo tại một cuộc họp rằng vào tháng 6 sắp tới, BRICS sẽ thảo luận về việc thiết lập một loại tiền tệ mới cho thương mại xuyên biên giới giữa các thành viên. Kể từ năm 2021, UAE cũng là một phần của dự án thí điểm các khoản thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới có thể bỏ qua đồng USD, do Ngân hàng Thanh toán quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ điều hành. Những bên tham gia khác của dự án này là Thái Lan, Hồng Công và Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, đồng USD chiếm gần 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu, chiếm khoảng 6,6 ngàn tỷ USD vào năm 2022; chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối chính thức trên toàn cầu, giảm so với 73% vào năm 2001. Vào cuối những năm 1970, tỷ lệ này là 85%.

Lo ngại “vũ khí hóa” thương mại

Theo giới chuyên gia, lý do chính khiến người Trung Đông muốn sử dụng các loại tiền tệ khác là do liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse ở New York Daniel McDowell cho rằng, các biện pháp trừng phạt là một phần nguyên nhân rất quan trọng, Mỹ càng sử dụng đồng USD như một vũ khí trong chính sách đối ngoại thì các đối thủ sẽ càng có xu hướng sử dụng các loại tiền tệ khác trong các hoạt động kinh tế quốc tế. Theo ông Hasan Alhasan, nhà nghiên cứu về chính sách Trung Đông của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại London, hiện tại, đơn vị tiền tệ của Nga được giao dịch ở các nước Trung Đông và châu Á. Về cơ bản, đó là những quốc gia đã chọn không tuân thủ/không thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc EU.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt đối với Nga được tăng cường hơn nữa, biến thành cái được gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp, thì những quốc gia đó sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ trừng phạt các bên thứ ba - các quốc gia hoặc doanh nghiệp - có liên hệ với thực thể bị trừng phạt. Vì vậy, các nước càng cần có sự chuẩn bị, ngay cả khi chưa sẵn sàng hoặc chưa quan tâm đến việc thực hiện một sự thay đổi triệt để về quá trình phi USD hóa. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ đang tìm cách viết lại các quy tắc của thị trường dầu mỏ toàn cầu nhằm nhắm vào lợi ích của Nga cũng gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Saudi Arabia. Động thái đóng băng tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga cũng khiến các nước Trung Đông lo ngại Mỹ và EU “vũ khí hóa” đối với thương mại và tài chính quốc tế.

Nhận định về xu hướng giảm sử dụng USD trong giao dịch tại Trung Đông, giới chuyên gia kinh tế cho rằng vị thế của đồng USD tại Trung Đông có chiều hướng suy giảm. Tuy nhiên, quá trình phi USD hóa sẽ cần một mạng lưới rộng lớn và phức tạp gồm các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tiền tệ, tổ chức phát hành nợ và người cho vay quyết định sử dụng các loại tiền tệ khác một cách độc lập. Mặc dù chưa có đơn vị tiền tệ nào có thể soán ngôi USD, nhưng các lựa chọn thay thế có thể tạo ra một thế giới đa cực.

Hơn nữa, việc phi USD hóa trong thời gian hiện nay cũng không khả thi, do các khoản tiền gửi ngân hàng lớn không phải lúc nào cũng được bảo hiểm, các doanh nghiệp sử dụng trái phiếu chính phủ như một giải pháp thay thế tiền mặt. Vị thế của đồng USD vì thế được củng cố bởi 23.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Tính thanh khoản và sự an toàn của thị trường trái phiếu kho bạc là lý do chính giải thích tại sao đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ hàng đầu của nhiều nước trên thế giới.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-usd-giam-vi-the-o-trung-dong-post691524.html