Đồng USD mất dần sức hút tại Trung Đông - Lo bị trừng phạt, muốn thay đổi hay chỉ là 'đi trước đón đầu'?

Trong nhiều thập niên, USD là loại tiền tệ tốt nhất và thường xuyên được sử dụng ở Trung Đông. Nhưng điều đó có thể đang bắt đầu thay đổi.

Sự thống trị của đồng USD trong khu vực Trung Đông có thể đang mất dần. (Nguồn: Shutterstock)

Trong vài tháng qua, các chính trị gia cấp cao ở một số quốc gia Trung Đông đã đưa ra những tuyên bố cho thấy, sự thống trị của đồng USD trong khu vực có thể đang mất dần.

Chính phủ Iraq đã ban hành lệnh cấm sử dụng đồng USD trong các giao dịch kinh doanh vào ngày 14/5. Lệnh cấm được ban hành nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng Dinar, giảm ảnh hưởng của đồng USD và hạn chế việc khai thác đồng tiền này ở thị trường chợ đen.

Trước đó, tháng 2/2023, Iraq tuyên bố sẽ cho phép giao dịch thương mại với Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ thay vì USD.

Ngân hàng Trung ương Iraq đã tuyên bố sẽ cho phép các giao dịch với Trung Quốc được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ. Đây cũng là lần đầu tiên Iraq chấp nhận giao dịch thương mại xuyên biên giới không cần đồng USD.

Trung Đông 'xa lánh' USD

Đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia cho biết, đất nước "sẵn sàng" bán dầu bằng các loại tiền tệ khác nhau, bao gồm cả đồng Euro và đồng Nhân dân tệ. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng tiết lộ sẽ làm việc với Ấn Độ để sử dụng đồng Rupee trong giao dịch thương mại.

Năm ngoái, Ai Cập đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu bằng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nước này đã phát hành trái phiếu bằng đồng Yen.

Ngoài ra, một số quốc gia Trung Đông khác như Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Algeria và Bahrain cho rằng, họ muốn tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) bao gồm các nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Nhóm này dự định thảo luận về tính khả thi của việc giới thiệu một đồng tiền chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi vào cuối năm nay. Ý tưởng này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra vào đầu tháng 6/2022.

Bloomberg đưa tin, BRICS sẽ thảo luận về vấn đề nói trên vào ngày 22/8.

Kể từ năm 2021, UAE cũng là một phần của dự án thí điểm do Ngân hàng Thanh toán quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ điều hành. Dự án này xem xét các khoản thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới và có thể bỏ qua đồng USD.

Theo Bloomberg, hiện tại, đồng USD chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối chính thức trên toàn cầu, giảm từ mức 73% vào năm 2001. Vào cuối những năm 1970, tỷ lệ này là 85%.

USD vẫn thống trị vùng Vịnh

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia khẳng định, việc rời xa đồng USD đang diễn ra chậm và điều này chắc chắn đúng với Trung Đông.

Kể từ những năm 1970, các quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu mỏ đã có quan hệ đối tác với Mỹ. Hầu hết trong số họ, ngoại trừ Kuwait, đã "gắn chặt" đồng nội tệ với USD.

Ông Hasan Alhasan, một nhà nghiên cứu về chính sách Trung Đông của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại London (Anh) lưu ý: “Một trong những dấu hiệu lớn nhất cho thấy việc phi USD đang diễn ra mạnh mẽ là phá giá đồng tiền tại các nước vùng Vịnh. Nhưng đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa thấy điều đó".

Còn theo ông Daniel McDowell, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse ở New York (Mỹ) nhận thấy: “Từ khóa ở đây là 'tuyên bố', 'có khả năng', 'sẵn sàng' khi nhắc đến vấn đề thay thế USD. Tuy nhiên, tuyên bố thì dễ, hành động thì khó hơn nhiều.

Đối với các quốc gia sản xuất dầu mỏ, như Saudi Arabia, những tuyên bố như vật cũng là một cách để thu hút sự chú ý của Mỹ".

Ông McDowell không loại trừ khả năng một ngày nào đó sự thống trị của đồng USD sẽ mất dần. Nhưng ngay bây giờ, "phần lớn cuộc nói chuyện này mang tính biểu tượng. Bất kỳ thay đổi nào đều rất nhỏ và chậm" - vị chuyên gia này khẳng định.

Đồng USD mất dần sức hút tại Trung Đông. (Nguồn: AP)

Hai lý do chính

Theo DW, các chuyên gia đồng ý rằng, có thể có hai lý do chính khiến người Trung Đông tìm kiếm các loại tiền tệ khác, thay vì chỉ sử dụng USD.

Thứ nhất, liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Ông McDowell nghĩ rằng, các biện pháp trừng phạt là một phần rất quan trọng của cuộc tranh luận có nên "rời xa" đồng nội tệ Mỹ hay không.

Vị chuyên gia này lập luận rằng, "Mỹ càng sử dụng đồng USD như một vũ khí trong chính sách đối ngoại, thì các đối thủ sẽ càng có nhiều động thái rời xa đồng tiền này. Hiện tại, có rất nhiều tiền của Nga chảy qua các nước ở Trung Đông và châu Á. Về cơ bản, đó là những quốc gia đã chọn không tuân thủ hoặc không thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc châu Âu".

Nhưng nếu các biện pháp trừng phạt đối với Nga được tăng cường hơn nữa, biến thành các biện pháp trừng phạt thứ cấp, thì những quốc gia đó sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc "né" trừng phạt.

Ông McDowell giải thích: “Vì vậy, các chính phủ lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ nên thực hiện các bước 'đi trước đón đầu', ngay cả khi họ chưa sẵn sàng hoặc chưa quan tâm đến việc thực hiện một sự thay đổi triệt để khỏi đồng USD”.

Thứ hai, theo ông Alhasan, các nước đang nhận thấy, Mỹ cố gắng viết lại các quy tắc của thị trường dầu mỏ toàn cầu, nhằm nhắm vào lợi ích của Nga và điều đó gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Saudi Arabia.

Vào tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nói rằng, nếu bất kỳ quốc gia nào cố gắng áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu của nước này - giống như cách đã làm với Nga - Saudi Arabia sẽ không giao dịch với nước này nữa.

Ông Maria Demertzis, giáo sư về chính sách kinh tế tại Viện Đại học châu Âu ở Florence (Italy) cho rằng, vấn đề nói trên là lý do tại sao xu hướng tránh xa USD có vẻ sẽ tiếp tục, chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn còn.

Tuy nhiên, phi USD hóa hay xa lánh đồng bạc xanh sẽ không thể ngay lập tức được thực hiện.

Ông Demertzis chỉ rõ, ngay cả khi một số quốc gia muốn bỏ qua đồng USD như một loại tiền tệ, thì việc thay thế cơ sở hạ tầng thanh toán được cung cấp bởi hệ thống định hướng bằng đồng tiền này là điều vô cùng khó khăn.

(theo DW)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-usd-mat-dan-suc-hut-tai-trung-dong-lo-bi-trung-phat-muon-thay-doi-hay-chi-la-di-truoc-don-dau-227980.html