Đồng USD - 'vũ khí' đe dọa ngành tài chính ngân hàng Trung Quốc

Sau cuộc tấn công vào lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc thông qua chiến tranh thương mại, giờ đây có thể trọng tâm của các nỗ lực chống Trung Quốc đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Đồng Nhân dân tệ (trên) và đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/8, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức cấp cao của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Trung Quốc. Cũng từ lúc này, ngành tài chính ngân hàng Trung Quốc bắt đầu phải đối mặt với vũ khí mang tên “đồng USD”.

Một ngày sau khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt nêu trên, vào hôm 8/8, Lạc Huệ Ninh, Trưởng Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại Hong Kong, tuyên bố đây là một "lệnh trừng phạt" vô ích vì ông không có bất kỳ tài sản nào ở nước ngoài. Lạc Huệ Ninh còn nói rằng bản thân có thể gửi 100 USD cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để ông ấy "đóng băng".

Tuy nhiên, khác với sự mỉa mai của các quan chức bị Mỹ trừng phạt, các tổ chức tài chính ngân hàng ở Hong Kong đã phải khởi động biện pháp phòng bị. Một số ngân hàng như Citigroup đã hành động nhanh chóng để đóng các tài khoản liên quan đến các cá nhân bị trừng phạt ngay cả khi cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong nói rằng các lệnh trừng phạt đơn phương không có giá trị pháp lý ở Hong Kong và các ngân hàng không có nghĩa vụ phải tuân thủ chúng.

Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, toàn bộ tài sản và lợi ích liên quan tại Mỹ của các quan chức có tên trong danh sách hoặc tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 50% trở lên sẽ bị phong tỏa và phải được báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ.

Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ cũng bị cấm giao dịch với những người trong danh sách hoặc tổ chức do họ sở hữu. Điều đó có nghĩa các cá nhân bị trừng phạt có thể phản ứng với lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách chuyển hoạt động ngân hàng của họ sang các ngân hàng nội địa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc hoạt động tại Hong Kong cũng đang phải thực hiện các bước đi dự kiến để tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Cụ thể, Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc (CMB) đã thận trọng hơn đối với hoạt động mở tài khoản của các quan chức bị trừng phạt, bao gồm cả Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).

Và không chỉ các ngân hàng thương mại, các ngân hàng đầu tư cùng các công ty môi giới, bảo hiểm, quản lý quỹ hay quỹ đầu cơ… đều phải kiểm tra xem họ có bất kỳ sự dính líu trực tiếp hay gián tiếp đối với các cá nhân bị trừng phạt để đảm bảo không bị ảnh hưởng một khi lệnh trừng phạt của Mỹ được mở rộng. Tại sao vậy?

Không thể phủ nhận đồng USD vẫn là đồng tiền quốc tế thống trị trên toàn cầu. Năm 2019, 62% dự trữ ngoại tệ toàn cầu bằng đồng USD, 88% thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng USD. Để có đồng USD cung ứng cho khách hàng, các tổ chức tài chính ngân hàng phải thiết lập tài khoản trung gian tại các ngân hàng Mỹ hoặc quan hệ thương mại với ngân hàng Mỹ. Cho nên, họ buộc phải tuân thủ các quy định pháp luật của Mỹ.

Những gì mà Ngân hàng Kunlun của Trung Quốc phải đối mặt là tiếng chuông cảnh tỉnh. Ngày 31/7/2012, Tổng thống Mỹ khi đó, ông Barack Obama đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với ngành sản xuất dầu mỏ của Iran và một số tổ chức tài chính bị cáo buộc “làm ăn trái phép” với nước này, trong đó có Ngân hàng Kunlun. Hệ quả là Ngân hàng Kunlun đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD, khiến hoạt động kinh doanh xuyên biên giới của họ bị bóp nghẹt.

Những gì mà Ngân hàng Kunlun đối mặt có thể trở thành rủi ro đối với các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ dính líu tới các quan chức bị trừng phạt. Tuy nhiên, các cá nhân và doanh nghiệp không phải của Mỹ cũng không là ngoại lệ bởi họ có thể chịu “trừng phạt cấp 2” từ Mỹ vì giao dịch với các quan chức bị trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt đối của Mỹ sẽ làm suy giảm năng lực tham gia hệ thống tài chính Mỹ của các cá nhân doanh nghiệp liên quan.

Trong năm 2019, tổng giá trị giao dịch ngoài biên giới của bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc gồm CoB, CCB, CMB và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

Một khi Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt, điều xảy ra với các quan chức và tổ chức của Nga, Iran, Triều Tiên và Venezuela có thể lặp lại đối với Trung Quốc, nghĩa là Trung Quốc và các tổ chức của Trung Quốc sẽ bị loại khỏi các giao dịch bằng đồng USD ở bất cứ đâu trên thế giới. Nói cách khác, nếu việc tiếp cận đồng USD được Mỹ vũ khí hóa toàn diện, hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ rơi vào rối loạn./.

Hà Ngọc (TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-usd-vu-khi-de-doa-nganh-tai-chinh-ngan-hang-trung-quoc/167001.html