Dòng vốn ETF duy trì xu hướng tích cực 5 tháng liên tiếp

Báo cáo mới nhất về dòng vốn toàn cầu tháng 9 của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy tại thị trường Việt Nam, ETF vẫn là điểm sáng khi có dòng tiền dương 5 tháng liên tiếp, trong đó tháng 9 ghi nhận giá trị 531 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo số liệu mà SSI đưa ra, đóng góp lớn nhất vào dòng tiền dương của ETF trong tháng 9 là quỹ VNDiamond ETF. Được biết, ở báo cáo cập nhật về dòng vốn toàn cầu tháng 7, SSI nhận định xu hướng tăng đã yếu đi ở các quỹ ETF mới thành lập như VNDiamond.

Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, dòng tiền đổ vào VNDiamond cho thấy xu hướng tích cực đã trở lại khi quỹ này liên tiếp hút vào 195 tỷ đồng trong tháng 8 và 293 tỷ đồng trong tháng 9.

Ngoài ra, VFM VN30 ETF và KIM Kindex Vietnam cũng lần lượt hút vào 120 tỷ đồng và 122 tỷ đồng trong tháng 9. Trong khi đó, các ETF ngoại như VanEck và FTSE Vietnam có động thái giao dịch chậm lại. Trước đó, quỹ VanEck được SSI nhận định là dẫn dắt chính trong xu hướng tích cực của dòng vốn tháng 8 còn FTSE Vietnam lại là 1 trong 2 quỹ thu hút được dòng vốn lớn nhất trong tháng 7.

Như vậy, trong vòng 5 tháng, các ETF đã huy động thêm được 2.830 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2020 thì con số là 1.846 tỷ đồng (theo số liệu của SSI), trong đó đóng góp lớn nhất là từ các ETF nội tân binh như VNDiamond ETF (1.870 tỷ đồng) và VNFin Lead (700 tỷ đồng).

Phía SSI cho biết, khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn chứng khoán. Trong tháng 9, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1.608 tỷ đồng trên 3 sàn. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mua 67 triệu cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes vào phiên ngày 10/9/2020 thì khối ngoại vẫn bán ròng 3.400 tỷ đồng.

Nếu không tính các giao dịch thỏa thuận lớn của VHM và MSN (Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan), các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng tổng cộng 27.650 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.

Chuyên viên phân tích của SSI nhận định dù một số quỹ đầu tư lớn vẫn duy trì quan điểm khá tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng SSI vẫn chưa thấy được các chuyển biến rõ rệt trong xu hướng dòng tiền chủ động tại Việt Nam.

Về diễn biến dòng tiền đầu tư trên thế giới, phía SSI cho rằng dòng tiền vào cổ phiếu có diễn biến tích cực hơn tháng trước (ngoại trừ châu Âu).

SSI cho rằng diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 vẫn là yếu tố cơ bản khiến dòng tiền vào cổ phiếu dao động mạnh. Mức rút ròng khỏi cổ phiếu Mỹ thu hẹp từ (-) 16,2 tỷ USD xuống (-) 4,7 tỷ USD. Còn Nhật Bản thì có 3 tuần vốn vào liên tiếp sau khi có Thủ tướng mới. Các thị trường mới nổi cũng có tháng tiền vào đầu tiên kể từ tháng 2/2020.

Báo cáo của SSI cũng chỉ ra rằng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các Ngân hàng Trung ương đã khiến dòng tiền tìm đến cổ phiếu nhiều hơn.

Đáng chú ý, các quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu đã nhận thêm 15 tỷ USD trong tháng 9. Riêng thị trường Trung Quốc, dòng vốn mới đổ vào cổ phiếu là 4,3 tỷ USD và đổ vào trái phiếu là 2,5 tỷ USD trong tháng 9. Trong đó, dòng vốn các quỹ ETF vào Trung Quốc đã dương 15 tuần liên tiếp.

Chuyên gia phân tích của SSI cho biết, dấu hiệu tích cực của dòng vốn thể hiện rõ nhất trong tuần cuối cùng của tháng 9 ở các thị trường phát triển và thị trường mới nổi. Còn dòng vốn vào các thị trường cận biên vẫn kém khả quan hơn khi bị rút ròng 9 tuần trong tổng cộng 10 tuần gần đây.

Chốt lại, SSI nhận định 3 yếu tố tác động đến diễn biến dòng vốn toàn cầu bao gồm làn sóng dịch bệnh lần 2, bầu cử tổng thống tại Mỹ và nguy cơ bong bóng cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dong-von-etf-duy-tri-xu-huong-tich-cuc-5-thang-lien-tiep-20180504224244766.htm