Đồng ý hòa giải rồi lại tiếc

(PL)- Quyết định công nhận sự thỏa thuận chỉ có thể bị kháng nghị nếu có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối...

Biết bạn mình đang cần tiền giải quyết chuyện gia đình, bà T. bèn hỏi vay tiền của chị C. Bà T. tính rằng với số tiền vay được, bà sẽ giữ lại một phần để giải quyết việc riêng, phần kia sẽ cho bạn mình vay lại. Vay 300 triệu đồng, thực nhận 100 triệu đồng Chị C. đồng ý cho bà T. vay gần 300 triệu đồng. Cuối tháng 9-2008, chị C. giao cho bà T. 100 triệu đồng, có làm giấy biên nhận hẳn hoi. Đầu tháng 10-2008, hai bên ra một phòng công chứng lập hợp đồng vay tiền. Theo đó, chị C. cho bà T. vay gần 300 triệu đồng trong thời hạn một tháng, có tính lãi suất. Bà T. thế chấp quyền sử dụng đất cho chị C. Hợp đồng ghi rõ các bên tự thực hiện việc giao nhận tiền ngoài sự chứng kiến của công chứng viên. Theo lời bà T. thì chị C. không giao cho bà gần 200 triệu đồng còn lại. Khi bà yêu cầu chị C. giao tiền, chị C. nói chị biết ý định của bà T. là sẽ cho người bạn vay lại một phần. Vì vậy, chị đã trực tiếp chuyển gần 200 triệu đồng cho người bạn đó. Bà T. không đồng ý cách giải thích của chị C. Theo bà, chị C. đã tự ý giao tiền vay không đúng đối tượng. Bà không chịu trách nhiệm về việc này và coi như bà chỉ mới nhận được 100 triệu đồng tiền vay từ chị C. Quá hạn trả nợ, chị C. kiện bà T. ra tòa để yêu cầu bà trả nợ theo hợp đồng đã ký. Xét chứng cứ, chị C. chỉ có trong tay giấy biên nhận đã giao cho bà T. 100 triệu đồng. Nếu không có giấy biên nhận đã giao gần 200 triệu đồng còn lại cho bà T., chị C. sẽ rất khó ràng buộc được bà vào trách nhiệm thanh toán số tiền này. Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005, bên cho vay phải giao tài sản cho bên vay. Bà T. đã thế chấp tài sản cho khoản vay với chị C. nên bà có quyền nhận đủ số tiền vay đã ghi trong hợp đồng. Chị C. không thể tự ý giao tiền vay cho người khác khi chưa có sự đồng ý của bà T. Phải ôm trọn cục nợ Thế nhưng tại phiên hòa giải do TAND quận chủ trì, bà T. lại chấp nhận trả toàn bộ nợ cho chị C. theo hợp đồng vay. Tính thêm lãi suất, bà có trách nhiệm trả cho chị C. hơn 300 triệu đồng. Nếu không trả đúng hạn, quyền sử dụng đất của bà T. sẽ bị phát mại để thi hành án. Hết bảy ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, cả hai bên đương sự không có ý kiến thay đổi. Vì vậy, TAND quận ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Sau đó, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của chị C. Giờ ngẫm lại, bà T. thấy ấm ức. Bà cho biết tại phiên hòa giải, thẩm phán cứ giải thích rằng bà đã ký hợp đồng thì phải có trách nhiệm trả nợ. Vì không am hiểu pháp luật cộng thêm tâm lý hoang mang, bà đã chấp nhận thỏa thuận như trên. Bà T. đã nộp đơn xin kháng nghị giám đốc thẩm quyết định trên. Trong một công văn hồi đáp, TAND TP cho bà T. biết quyết định của TAND quận có căn cứ pháp luật. Theo Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Giá như bà T. cẩn thận hơn trong phiên hòa giải, biết đâu bà sẽ không bị ràng buộc vào trách nhiệm trả nợ gần 200 triệu đồng nếu chị C. không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc giao nhận tiền giữa hai bên.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=274131