Đồng Yen tăng nhanh sau 'bước đi quyết định' của chính phủ Nhật Bản, chuyên gia đặt dấu hỏi

Tối 22/9, sau khi chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng nội tệ, đồng Yen đã tăng giá trở lại so với USD.

Đồng Yen của Nhật Bản tăng giá trở lại sau động thái can thiệp của chính phủ. (Nguồn: AFP)

Vào lúc 17h chiều ngày 22/9, tỷ giá giao dịch giữa hai đồng tiền trên thị trường Tokyo đứng ở mức 145,77-78 Yen/USD.

Chiều cùng ngày, chính phủ Nhật Bản đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng Yen. Đây là lần đầu tiên nước này thực hiện hành động can thiệp như vậy kể từ năm 1998.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế Masato Kanda nhận định, Tokyo "đã có bước đi mang tính quyết định" trong tình huống đồng Yen giảm quá mức do hoạt động đầu cơ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về mức độ hiệu quả của động thái này. Chỉ trong một ngày, thị trường tiền tệ Nhật Bản liên tục chứng kiến những thay đổi chóng mặt.

Đầu tiên là Hội đồng Chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, bất chấp việc chỉ vài giờ trước đó Fed đã tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nay để đối phó với lạm phát.

Ngay sau đó, đồng Yen đã mất giá mạnh so với đồng USD. Tỷ giá giao dịch giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo đã tăng vượt ngưỡng 145 Yen/USD cho thấy giá trị đồng Yen ở mức thấp nhất trong 24 năm qua.

Đến 15h cùng ngày (giờ địa phương), trong bài phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kanda Masato cho biết, chính phủ nước này và BoJ đã thống nhất sử dụng biện pháp bán ra đồng USD và mua vào đồng Yen để kiềm chế đà giảm giá của đồng nội tệ.

Cuối giờ chiều, tỷ giá giữa đồng Yen và đồng USD đã quay trở lại mốc 140 Yen/USD.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/1998, Chính phủ Nhật Bản thực hiện can thiệp thị trường bằng cách mua vào đồng Yen và bán ra đồng USD.

Các nhà phân tích vẫn đặt dấu hỏi rằng, động thái này có thể ngăn đà trượt giá của đồng Yen trong dài hạn hay không? Đồng Yen đã mất giá gần 20% trong năm nay, phần lớn do các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ giúp đẩy đồng USD lên cao hơn.

Ông Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô tại công ty tư vấn tài chính Equiti Capital nhận định, thị trường quả thực đã mong đợi một sự can thiệp thực chất khi những can thiệp bằng lời nói ngày càng tăng trong vài tuần qua. Nhưng các biện pháp can thiệp tiền tệ hiếm khi thành công và ông nhận định động thái hôm nay sẽ chỉ mang lại sự xoa dịu tạm thời đối với đồng Yen.

Đồng quan điểm, ông Ben Laidler, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty môi giới tài chính Etoro cho biết động thái can thiệp tiền tệ đầu tiên của Nhật Bản trong gần 25 năm qua là một bước đi quan trọng, nhưng nó khó có thể bảo vệ đồng Yen.

Theo ông, chừng nào Fed vẫn giữ vững quan điểm nâng lãi suất, thì bất kỳ sự can thiệp nào của Nhật Bản cũng chỉ có khả năng làm chậm lại chứ không dừng lại đà trượt giá của đồng Yen.

Theo thống kê, trong lịch sử, Bộ Tài chính Nhật Bản đã thực hiện can thiệp ngoại hối 376 lần, trong đó 317 lần can thiệp để chống lại sự tăng giá đồng Yen và 32 lần can thiệp để chống lại sự mất giá của đồng nội tệ, còn lại là phục vụ mục đích khác.

Giới chuyên gia cho hay, việc can thiệp thị trường thông qua bán đồng Yen thường dễ thành công hơn những đợt mua vào.

Trong một cuộc can thiệp bằng cách bán đồng nội tệ, Nhật Bản có thể tiếp tục in tiền để bán ra thị trường. Nhưng với biện pháp mua vào, Nhật Bản cần khai thác kho dự trữ ngoại hối 1.330 tỷ USD của mình. Mặc dù dồi dào, lượng dự trữ này vẫn có thể nhanh chóng cạn kiệt nếu Nhật Bản cần một khoản tiền lớn để tác động đến tỷ giá.

(theo Reuters, TTXVN)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-yen-tang-nhanh-sau-buoc-di-quyet-dinh-cua-chinh-phu-nhat-ban-chuyen-gia-dat-dau-hoi-199359.html