Đốt hàng vạn hộp sữa cho học trò nghèo vì không nghiên cứu kỹ văn bản?

Hơn 11.000 hộp sữa tươi Vinamilk bị tiêu hủy oan, trong khi học sinh nghèo ở Lào Cai bấy lâu nay vẫn đang khát sữa.

Vài ngày nay, trên mạng xã hội lan truyền một số hình ảnh chính quyền xã Suối Thầu (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đang tiến hành tiêu hủy rất nhiều lô sữa nhãn hiệu Vinamilk của một đoàn từ thiện ủng hộ trẻ em trong xã.

Ngay sau khi đăng tải, thông tin đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của dư luận. Trong số đó, có ý kiến cho rằng sữa hết hạn mà mang đi từ thiện thì hết sức đáng lên án, có ý kiến lại cho rằng nếu sữa chưa hết hạn mà mang đi tiêu hủy thì thật phí tiền bạc và tâm huyết của những người thiện nguyện.

Hơn 11.000 hộp sữa tươi Vinamilk bị tiêu hủy oan.

Hơn 11.000 hộp sữa tươi Vinamilk bị tiêu hủy oan.

Sau hàng loạt luồng dư luận khác nhau, một số báo điện tử cũng tiếp tục đưa tin xung quanh vụ việc, có thông tin cho rằng vì lo ngại uống sữa sẽ gây ngộ độc nên xã phải cho tiêu hủy toàn bộ.

Vậy thực hư câu chuyện này thế nào? Qua tìm hiểu, phóng viên VOV được biết số sữa tươi mang nhãn hiệu Vinamilk nói trên hoàn toàn không vấn đề gì nhưng lại được bảo quản chặt chẽ trong kho suốt từ cuối năm 2017, đến khi sắp hết hạn mới bị đem ra tiêu hủy mà không dám cho ai uống, nguyên do xuất phát từ chỉ đạo tại một văn bản ở trên gửi xuống.

Cụ thể, vào ngày 17/11/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản hướng dẫn tiếp nhận sữa từ Chi nhánh của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam tại Hà Nội phân bổ cho 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học tại các trường khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Chương trình Sữa học đường năm 2017.

Theo thông báo của Sở, toàn huyện Sa Pa có hai trường Mầm non và Tiểu học xã Suối Thầu với hơn 400 học sinh được chỉ định hưởng lợi từ nguồn sữa này.

Ngày 24/11/2017, hai trường học nói trên đã nhận đủ tổng cộng 11.551 hộp sữa tươi nhãn hiệu Vinamilk, hạn sử dụng đến hết ngày 19/4/2018 từ phía Chi nhánh Công ty Cổ phần sữa Việt Nam tại Hà Nội.

Tuy nhiên, trong lúc sữa về kho chưa kịp cấp phát tận tay cho học sinh, hai trường Mầm non và Tiểu học Suối Thầu bất ngờ nhận được văn bản số 988/VPUBND-VX của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc "tạm dừng triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh".

Phần đầu văn bản số 988 có ghi: "Ngày 06/11/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5198/BGDĐT-GDTC đề nghị Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh uống trên phạm vi toàn quốc và hiện nay các cơ quan chức năng đang kiểm tra, xét nghiệm, xác minh để làm rõ nguyên nhân 02 học sinh của tỉnh Hậu Giang có triệu chứng "tương tự ngộ độc" sau khi uống sữa theo chương trình này".

Thế nhưng, nội dung chính của văn bản này lại truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh rằng: "Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo toàn bộ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh của tỉnh đến khi có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Văn bản chỉ đạo "bị" hiểu nhầm.

Theo một vị lãnh đạo xã Suối Thầu, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, sau khi nhận được văn bản 988, Ban Giám hiệu hai nhà trường trên địa bàn đã lập tức báo cáo với chính quyền xã. Căn cứ tinh thần của văn bản, xã đã phải chỉ đạo các trường dừng ngay lại, không dám phát cho học sinh vì sợ ngộ độc.

Cứ thế, hơn 11.000 hộp sữa tươi nằm im trong kho ngày này qua tháng khác. Mãi đến hôm vừa rồi khi các trường thông báo về việc sữa chuẩn bị hết hạn, Ban An toàn thực phẩm xã đã huy động lực lượng cùng nhà trường đem tiêu hủy toàn bộ hơn 11.000 hộp sữa tươi tiếp nhận về các trường từ 4 tháng trước đó dưới sự chứng kiến của đầy đủ thành phần.

"Sữa còn hạn thì xã cũng không dám tiêu hủy vì sợ ảnh hưởng. Sữa hết hạn rồi cho không ai lấy, trả lại Công ty cũng không được thì phải đem tiêu hủy. Chiều 5/4 vừa rồi, chúng tôi phải cho hút hết sữa tươi ra rồi dùng rất nhiều xăng dầu đốt cháy toàn bộ vỏ rất vất vả, phải tiêu hủy hết vì sợ nhỡ người dân, trẻ em ai không biết vô tình uống phải", vị lãnh đạo xã chia sẻ.

Một giáo viên Trường Tiểu học xã Suối Thầu cho biết: "Theo đúng tinh thần chỉ đạo của văn bản 988 thì nhà trường không dám cho học sinh uống, nhưng cũng không dám đổ bỏ mà phải bảo quản cẩn thận, mãi không thấy bên trên có hướng dẫn gì, đến khi sắp hết hạn thì thông báo cho chính quyền để Ban An toàn thực phẩm xã có phương án tiêu hủy theo đúng quy trình".

Trong một diễn biến khác, ngày 6/4, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai niêm yết thông tin cho rằng việc không phát sữa cho học sinh ngay thời điểm đó mà để đến nay phải đưa đi tiêu hủy là do hai đơn vị Trường Mầm non và Tiểu học xã Suối Thầu không nghiên cứu kỹ dẫn đến hiểu nhầm văn bản chỉ đạo của tỉnh.

Vậy rốt cuộc ai đúng ai sai, do nội dung văn bản không rõ ràng hay do đơn vị tiếp nhận văn bản không nghiên cứu kỹ? Chỉ biết kết quả thực tế là hơn 11.000 hộp sữa tươi Vinamilk của Chi nhánh Công ty Cổ phần sữa Việt Nam tại Hà Nội bị oan phải nằm im trong kho để rồi đem tiêu hủy, trong khi hàng trăm học sinh nghèo của xã Suối Thầu bấy lâu nay vẫn đang khát sữa./.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/dot-hang-van-hop-sua-cho-hoc-tro-ngheo-vi-khong-nghien-cuu-ky-van-ban-748403.vov