Đợt mưa 600 mm ở miền Trung nguy hiểm thế nào?

Với diễn biến mưa lên tới 600 mm tập trung trong hai ngày 14-15/10, chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng ở các địa phương Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Miền Trung đang đối mặt với đợt thiên tai dồn dập khi liên tiếp hứng chịu các đợt mưa lớn trút xuống. Nước lũ từ đợt mưa ngày 9-12/10 chưa kịp rút hết, khu vực lại chuẩn bị hứng đợt mưa mới bắt đầu từ đêm nay, 13/10.

Các chuyên gia lo ngại với lượng mưa lên tới 600 mm chỉ trong vòng 2-3 ngày, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Tây Nguyên có nguy cơ xảy ra nhiều loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở và ngập lụt.

Mưa 600 mm lớn thế nào?

Theo số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng, lượng mưa trung bình một năm tại các tỉnh, thành phố Trung Bộ dao động 2.100-2.700 mm.

Trong khi đó, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vừa trải qua đợt mưa lớn 3 ngày với tổng lượng nhiều nơi trên 500 mm. Kết hợp thêm đợt sắp tới, vũ lượng trong một tuần (9-15/10) ở một số khu vực có thể lên đến 1.000-1.200 mm, bằng một nửa tổng lượng mưa cả năm.

Đây là kịch bản cực đoan và gần như tương đồng với đợt mưa xảy ra ở miền Trung vào ngày 6-16/10/2020. Thời điểm đó, nhiều nơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cũng ghi nhận lượng mưa 1.000-1.500 mm trong vòng 10 ngày.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão kết hợp không khí lạnh và đới gió đông trên cao là tổ hợp 3 hình thái gây ra đợt mưa lớn cho miền Trung những ngày tới. Ảnh: VNDMS.

Chuyên gia thậm chí đưa ra một kịch bản cực đoan hơn khi Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có thể hứng tổng lượng mưa lên tới 400-600 mm, có nơi trên 700 mm. Dù vậy, kịch bản này chỉ có xác suất xảy ra 10-15%.

"Mưa lớn dồn dập, nước ở đợt này chưa rút hết đã đến đợt tiếp theo gây ra nguy cơ rất lớn về trượt lở đất, ngập lụt diện rộng cho các địa phương. Độ bão hòa trong đất tăng cao sẽ làm giảm sức chống chịu ở các địa hình đồi, núi", một chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định.

Với vũ lượng 600 mm, các trận mưa được dự báo là "như trút nước" và tập trung trong ngày 14-15/10. Đồng thời, chuyên gia lo ngại việc mưa cực đoan tái diễn khi trước đó, Quảng Ngãi từng ghi nhận vũ lượng trên 550 mm chỉ trong vòng một ngày.

Cảnh báo ngập diện rộng

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nền lũ hiện nay trên hầu hết sông ở khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ ở mức cao.

"Các hồ chứa đang điều tiết vận hành để đón lũ trong đợt mưa 14-16/10, nhưng dung tích cắt lũ các hồ thủy điện không còn nhiều", ông Lâm cho biết.

Với lượng mưa dự báo đến 200-500 mm, có nơi trên 600 mm ở miền Trung và Tây Nguyên, chuyên gia cảnh báo việc xuất hiện một đợt lũ gây ngập lụt diện rộng tại khu vực trũng thấp, đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.

Đặc biệt, ngập lụt sâu tập trung tại 4 huyện với 58 xã ở Thừa Thiên - Huế, 7 huyện với 75 xã ở Quảng Nam, 7 huyện với 74 xã ở Quảng Ngãi. Độ sâu phổ biến 0,3-0,6 m.

Mưa lớn khiến hàng trăm ha thanh long ở Bình Thuận ngập trong nước, hôm 10/10. Ảnh: T.T.

Theo ông Lâm, trong đợt này, mưa cường độ lớn và tập trung trong thời gian ngắn gây ra mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại khu vực trung du và miền núi của các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai.

Người dân cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ sạt lở rất cao như: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang (Quảng Nam); Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Yêu cầu vận hành hồ thủy điện

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến trưa 13/10, nước lũ từ đợt mưa trước đã rút hết ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Địa phương cơ bản hết ngập.

Dù vậy, vẫn còn 9 điểm đường giao thông ở địa phương còn ngập và tắc đường, trong đó nghiêm trọng nhất là Quảng Nam với 6 điểm chưa thể khắc phục xong.

Với diễn biến mưa lớn đã bắt đầu xuất hiện từ chiều nay (13/10), chuyên gia lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố ở các công trình xung yếu, hoặc tuyến giao thông chưa được khắc phục.

Trong khi đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên đã yêu cầu các hồ thủy điện hạ dần mực nước về mức đón lũ, bao gồm thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đăk Mi 4, A Vương (Quảng Nam); Sông Ba Hạ, Krông HNăng, Sông Hinh (Phú Yên).

Các địa phương từ Quảng Nam đến Phú Yên và Tây Nguyên đang khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, trước khi khu vực hứng cao điểm đợt mưa tới vào ngày 14-15/10.

Về phía chính quyền địa phương, nhà chức trách yêu cầu triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn.

Đồng thời, đơn vị chức năng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Người dân ở khu vực trũng, thấp và trong vùng cảnh báo mưa lớn được khuyến cáo chủ động kê đồ đạc lên cao; đồng thời chấp hành lệnh sơ tán của chính quyền khi có yêu cầu.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dot-mua-600-mm-o-mien-trung-nguy-hiem-the-nao-post1364954.html