Đột phá cải cách nhìn từ ASEAN

Năm 2019, Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD). Tuy nhiên, xét trong bối cảnh cải cách chung trên thế giới và khu vực, kết quả cải thiện MTKD còn khá khiêm tốn, đặc biệt năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN.

Chất lượng MTKD tăng mạnh

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu về năng lực cạnh tranh (GCI). Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Kết quả này đạt được do 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc.

Theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) nước ta tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Năng lực cạnh tranh du lịch theo xếp hạng của WEF tăng 4 bậc (từ vị trí 67 lên vị trí 63), với điểm số tăng nhẹ 0,12 điểm (từ 3,78/7 điểm lên 3,9/7 điểm). Kết quả xếp hạng MTKD (Doing Business hoặc EoDB) của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm) với 5/10 chỉ số tăng điểm.

Những cảm nhận tích cực của doanh nghiệp năm 2019 so với năm trước theo kết quả khảo sát của VCCI. (Nguồn: Khảo sát PCI 2019)

Những cảm nhận tích cực của doanh nghiệp năm 2019 so với năm trước theo kết quả khảo sát của VCCI. (Nguồn: Khảo sát PCI 2019)

Nhiều lĩnh vực có cải cách mạnh mẽ, như thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 22 bậc (từ 131 lên 109); tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc (từ 32 lên 25); gánh nặng tuân thủ pháp luật tăng 17 bậc (từ 96 lên 79); mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc (từ 95 lên 41); chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc (từ 115 lên 102); tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng 22 bậc (từ 90 lên 68); số công ty có ý tưởng mới đột phá tăng 13 bậc (từ 52 lên 39)…

So sánh chất lượng MTKD nước ta với 5 năm trước đây, có nhiều lĩnh vực thể chế được cải thiện vượt bậc, thậm trí tăng hàng trăm bậc so với nhiều quốc gia trên thế giới, như tiếp cận điện năng tăng 107 bậc (xếp thứ hạng 27/190 quốc gia); thủ tục nộp thuế tăng 64 bậc (109/190 quốc gia); mức độ bảo vệ nhà đầu tư tăng 29 bậc (97/190 quốc gia).

Những cải thiện về chất lượng MTKD cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Theo kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh tác động tích cực của cải cách thể chế đến cộng đồng doanh nghiệp, như chi phí không chính thức giảm, MTKD bình đẳng hơn và cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhà nước thân thiện hơn, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn, cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả hơn… Ngược lại, ngày càng ít doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, bị thanh tra nhiều lần hoặc trùng lắp…

Cần cải thiện mạnh hơn nữa

Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức rõ trách nhiệm và tham gia chủ động, tích cực hơn để cải thiện điểm số, thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Nhờ đó chất lượng MTKD và năng lực cạnh tranh quốc gia đã được cải thiện, tác động tích cực đến thúc đẩy và tạo thuận lợi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Dù vậy, xét trong bối cảnh cải cách chung trên thế giới và khu vực, có thể thấy kết quả cải thiện MTKD còn khá khiêm tốn. Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (50) và Philippines (thứ 64). Năng lực cạnh tranh du lịch tăng điểm chậm và vẫn có tới 6/14 trụ cột giảm điểm (thể hiện giảm chất lượng). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta có xu hướng tăng chậm lại và 4/7 trụ cột giảm bậc trong năm 2019.

Đáng chú ý, chất lượng MTKD có cải thiện (qua việc tăng điểm), nhưng còn rất ít và chậm. Trong 5 năm qua, MTKD nước ta cải thiện 8 bậc trên bảng xếp hạng (tăng từ 78 lên 70), tính trung bình khoảng 1,2 bậc mỗi năm.

Ngay cả một số lĩnh vực được cải thiện mạnh mẽ nhưng về cơ bản vẫn còn ở thứ hạng thấp và còn nhiều dư địa để cải cách. Hiện vẫn còn 5/10 chỉ số của MTKD theo xếp hạng của WB đang xếp ở vị trí trên 90/190 quốc gia. Nhiều chỉ số xếp hạng ở mức rất thấp, như khởi sự kinh doanh xếp hạng 115/190 hay chỉ số phá sản xếp hạng 112/190.

So sánh với các quốc gia trong ASEAN, Singapore duy trì ổn định vị trí thứ 2 từ năm 2016. Malaysia tăng hạng nhiều và liên tiếp trong 2 năm gần đây (tăng 12 bậc). Thái Lan tăng tốc mạnh trong năm 2017 (tăng 20 bậc) và tiếp tục tăng 6 bậc trong 2019.

Indonesia sau 3 năm cải thiện mạnh mẽ và liên tục (năm 2017 tăng 42 bậc so với 2014). Philippines tăng tới 29 bậc trong năm 2019. Điều này cho thấy các nền kinh tế có xu hướng cải cách nhanh và quyết liệt so với chúng ta. Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

Trong thời gian tới, yêu cầu và dư địa cải cách thể chế nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn rất lớn. Từ bài học cải cách thể chế trong thời gian qua, cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực và giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ.

Chương trình cải cách khá tổng thể, đầy đủ và chi tiết. Việc thực thi các nhiệm vụ cải cách theo yêu cầu của Chính phủ có những chuyển biến tốt và xuất hiện sự tích cực, tiên phong của một số bộ, cơ quan.

PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dot-pha-cai-cach-nhin-tu-asean-642410.html