Đột phá giải quyết hồ sơ nhà đất

Nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (viết tắt GCN) của người dân trên địa bàn TPHCM năm 2019 tăng rất cao.

Để đáp ứng nhu cầu này, ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) thành phố thí điểm quy trình điện tử liên thông, để người dân bớt đi lại cũng như rút ngắn thời gian trả kết quả cho người dân.

Tạo sự tiện lợi

Sáng 4-11, ông Trương Trọng Thuận (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) đến tổ tiếp nhận và trả hồ sơ của UBND quận 12 thực hiện thủ tục cuối cùng để nhận GCN. Khoảng 15 ngày trước đó, ông Thuận đã đến đây nộp hồ sơ sang tên nhà đất ở phường Tân Thới Nhất mà ông vừa mua.

Sau đó, ông Thuận nhận được thông báo nộp lệ phí trước bạ từ cơ quan thuế. Thay vì phải đến Kho bạc Nhà nước, ông Thuận mang thông báo đến thẳng tổ tiếp nhận và trả hồ sơ của UBND quận 12 đóng tiền. Chỉ vài chục phút sau, ông Thuận nộp được tiền và bước sang quầy nhận lại GCN đã sang tên mình.

Am hiểu quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ nhà đất, ông Thuận cho biết nếu thực hiện ở những nơi khác, sau khi nộp hồ sơ tại quận thì phải đến cơ quan thuế nhận thông báo nộp lệ phí trước bạ. Sau đó tiếp tục liên hệ kho bạc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đóng tiền xong, phải trở lại cơ quan thuế quận - huyện nộp chứng từ để lấy xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau nữa, người dân mang giấy xác nhận vòng trở lại tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, ngồi chờ đến lượt mới có thể nộp chứng từ và nhận kết quả.

“Ở mỗi nơi như vậy, ít nhất cũng phải mất vài giờ xếp hàng, làm xong thủ tục. Nhưng ở đây tôi chỉ đi 2 lần, đến cùng một nơi. Mỗi lần mất chưa đầy 2 giờ là xong thủ tục. Quy trình này giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, ông Thuận nhận xét.

Giải thích về sự khác biệt lớn trên, ông Trần Thanh Ngoan, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận 12, cho biết chi nhánh đang thực hiện thí điểm quy trình giải quyết hồ sơ liên thông điện tử với cơ quan thuế. Qua đó, năm 2018, chi nhánh giải quyết 28.479 hồ sơ liên thông thuế điện tử. Trong 9 tháng đầu năm 2019, giải quyết 17.906 hồ sơ liên thông thuế điện tử cho tất cả các thủ tục. Cùng thực hiện thí điểm quy trình này, bà Trần Thị Kim Ngân, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 1, cho hay từ khi thí điểm đến nay, chi nhánh giải quyết 12.170 hồ sơ nhà đất trên phần mềm và liên thông thuế điện tử với cơ quan thuế.

Từ việc liên thông thuế điện tử, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 đã giải quyết nhanh thủ tục liên quan đến cấp GCN cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: KIỀU PHONG

Từ việc liên thông thuế điện tử, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 đã giải quyết nhanh thủ tục liên quan đến cấp GCN cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: KIỀU PHONG

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin thêm, hiện nay Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 1 và Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 đang thí điểm quy trình liên thông thuế điện tử. Theo quy trình cũ, từng người dân khi cần giải quyết hồ sơ về nhà đất phải đến nhiều cơ quan (UBND phường, UBND quận, cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước), trong đó có cơ quan phải đến 2 lần. Quy trình mới có điểm nổi bật là sự liên thông giữa các cơ quan nên người dân không phải đi lại nhiều nơi như trước.

Giảm tải công việc, bớt nhân sự

Ông Trần Thanh Ngoan phân tích, theo quy trình liên thông, chỉ qua cái nhấp chuột, các thông tin liên quan đến hồ sơ của người dân sẽ được cơ quan ĐKĐĐ chuyển đến cơ quan thuế để tính nghĩa vụ tài chính. Như vậy, người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi ở mỗi cơ quan, khoảng 2 giờ/cơ quan.

“Nhiều khi người dân ở nơi xa, như quận 2 phải mất cả giờ cho việc đi từ nhà đến một cơ quan ở quận 12. Thậm chí có trường hợp khi tới nơi, bấm số nhưng lúc tới lượt lại hết giờ và đành chờ buổi khác. Hiện nay, người dân chỉ đi đến một nơi để nộp hồ sơ và nhận kết quả”, ông Trần Thanh Ngoan khẳng định.

Sự đột phá này đến từ việc thí điểm giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử (thông qua phần mềm cơ sở dữ liệu HCM.Lis) và liên thông với cơ quan thuế. Theo đó, việc viết phiếu chuyển giải quyết hồ sơ trong nội bộ cơ quan ĐKĐĐ hoặc liên thông với cơ quan thuế (để xác định nghĩa vụ tài chính) và thông báo cho người dân đều thực hiện bằng phiếu, văn bản điện tử. Các chứng từ, biên lai cũng bằng điện tử.

Vì thế, thời gian luân chuyển hồ sơ tại tất cả các cơ quan liên quan gói gọn không quá 5 ngày. Trong khi, theo quy trình cũ thì không xác định cụ thể thời gian ở mỗi đơn vị, dẫn đến nhiều hồ sơ kéo dài thời gian giải quyết.

Với quy trình mới, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 1 và Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 là đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ nhà đất và luân chuyển đến các cơ quan khác, như vậy chỉ còn 2 bước, thay vì người dân phải thực hiện 9 bước, đến nhiều cơ quan theo quy trình cũ. Việc xử lý trên môi trường điện tử còn giúp cán bộ thụ lý hồ sơ quản lý, giải quyết hồ sơ theo đúng thời hạn.

Mặt khác, lãnh đạo cũng dễ dàng giám sát, kiểm tra và đôn đốc, chỉ đạo kịp thời nên đảm bảo thời hạn giải quyết hồ sơ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc liên thông thuế cũng giảm đáng kể nhân sự. Cụ thể, trước đây phải có 3 lãnh đạo và 12 chuyên viên của Chi nhánh VPĐKĐĐ cùng thực hiện một bộ hồ sơ, thì nay chỉ cần 1 cán bộ và 3 chuyên viên.

“Qua thời gian thí điểm liên thông thuế điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vì vậy, tôi cho rằng cần sớm chính thức ứng dụng phần mềm liên thông này để giải quyết hồ sơ nhà đất của người dân. Việc này cũng có tác dụng tích cực trong thực hiện tinh giản biên chế, vì hiệu quả công việc tăng nhưng số người thực hiện công việc lại giảm”, ông Trần Thanh Ngoan đề xuất.

4 giải pháp giảm hồ sơ nhà đất trễ hẹn

Trong 10 tháng đầu năm 2019, ngành TN-MT TPHCM tiếp nhận hơn 570.000 hồ sơ các loại. Riêng lĩnh vực đất đai giải quyết 501.684 hồ sơ cấp GCN (bình quân hơn 50.000 hồ sơ/tháng), nhưng có gần 35.000 hồ sơ (chiếm 6,9%) trễ hẹn.

Nguyên nhân chính của tình trạng trễ hẹn là phải thực hiện theo quy định chung. Tuy nhiên, Sở TN-MT thực hiện 4 giải pháp đột phá trong cải cách hành chính để kéo giảm số hồ sơ nhà đất trễ hẹn. Cụ thể, Sở TN-MT công bố công khai 120 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và môi trường để người dân, doanh nghiệp cùng giám sát. Việc này mang lại hiệu quả tích cực khi 10 tháng đầu năm 2019, số hồ sơ nhà đất trễ hẹn giảm khoảng 4.000 hồ sơ so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Sở TN-MT phân cấp, ủy quyền ký GCN từ ban giám đốc sở về VPĐKĐĐ TP cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, VPĐKĐĐ TP sẽ ký GCN, đóng dấu và trả kết quả mà không phải chuyển hồ sơ về Sở TN-MT như trước. Việc này rút ngắn được 10 ngày giải quyết hồ sơ và giảm 3 - 5 ngày luân chuyển hồ sơ đến các đơn vị liên quan. Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 136.000 hồ sơ thực hiện theo phân cấp, ủy quyền, góp phần kéo giảm hồ sơ trễ hẹn từ 10% còn 6,9%.

Sở TN-MT đã tiếp tục trình phương án phân cấp về 24 chi nhánh VPĐKĐĐ quận huyện ký GCN và trả kết quả, thay vì ký tại VPĐKĐĐ TP như hiện nay. Khi phân cấp về chi nhánh VPĐKĐĐ 24 quận huyện thì thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân sẽ nhanh hơn. Bằng giải pháp này, dự kiến, hồ sơ trễ hẹn tiếp tục giảm khoảng 10%.

Bên cạnh đó là thực hiện liên thông điện tử giữa cơ quan thuế với chi nhánh VPĐKĐĐ 24 quận huyện và đang thí điểm ở quận 1 và quận 12. Sau một thời gian thí điểm, có 50.555 hồ sơ thực hiện theo chương trình liên thông này, đã mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là giảm nhiều thời gian đi lại cho người dân. Sở TN-MT kiến nghị mở rộng việc liên thông này đến tất cả các quận huyện còn lại để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Cuối cùng là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ nhà đất trên phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai HCM.Lis (do Bộ TN-MT chủ trì xây dựng). Việc này, Sở TN-MT cũng đang thí điểm tại 2 chi nhánh VPĐKĐĐ quận 1 và quận 12; đồng thời kiến nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT cho phép TPHCM được khai thác, sử dụng trên toàn địa bàn TPHCM.

KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dot-pha-giai-quyet-ho-so-nha-dat-627280.html