Đột phá hợp tác an ninh Nhật Bản - Philippines

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang biến động phức tạp, Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác với các nước trên thế giới mà trọng tâm là Mỹ, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á và một số nước châu Âu để duy trì và tăng cường trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Trong đó, với mong muốn đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chuyến thăm Philippines gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Đáng chú ý, theo AP, với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Philippines, ông Kishida Fumio cho biết hiện tại là “thời kỳ hoàng kim” của mối quan hệ song phương. Những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước được tăng cường mạnh mẽ ở nhiều cấp độ. Ngoài ra, ông Kishida cũng muốn thúc đẩy chiến lược ngoại giao Đông Nam Á với tên gọi là “dòng chảy Kishida”. Do đó, ngoài tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác an ninh là vấn đề mà Nhật Bản đã chọn Philippines là nơi trọng tâm trong khu vực ASEAN để thúc đẩy liên kết mạnh mẽ.

Thực tế, sự hợp tác giữa hai quốc gia này cũng đã diễn ra trong nhiều năm nay, thậm chí không phải khi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được thúc đẩy thì Nhật Bản mới chú ý tăng cường hợp tác an ninh với Philippines. Nhật Bản cũng từng hỗ trợ phát triển kinh tế và tiến trình hòa bình ở khu vực đảo Mindanao (Philippines), khu vực gắn kết với hòa bình, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ chuyến thăm đáng chú ý này, Nhật Bản và Philippines cũng đạt thỏa thuận trị giá 570 triệu peso từ Nhật Bản liên quan đến an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa. Ngoài cung cấp hỗ trợ quân sự cho Philippines, Nhật Bản cũng hứa hẹn về một loạt gói viện trợ phát triển cho quốc gia Đông Nam Á này, nhằm củng cố mối quan hệ song phương. Tổng thống Philippines Marcos nhấn mạnh, Nhật Bản tài trợ dự án Tàu điện ngầm Metro Manila và các dự án Đường sắt Bắc-Nam, ước tính trị giá hàng tỷ USD.

Có thể nói, khi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tăng cường thì vai trò của Philippines lại được Nhật Bản và Mỹ quan tâm hơn rất nhiều. Mỹ - Nhật - Philippines cũng cùng tạo mạng lưới hợp tác chặt chẽ ba bên ở nhiều lĩnh vực để hướng tới lập lại trật tự, an ninh, an toàn trên biển. Tháng 3-2023, Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự của Mỹ và Philippines với tư cách quan sát viên. Đến tháng 6-2023, lực lượng tuần duyên của 3 nước lần đầu tiến hành huấn luyện cùng nhau.

Để hiện thực hóa chiến lược nói trên, Nhật Bản và Philippines sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán hiệp ước song phương mới, được gọi là Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), để tăng cường quan hệ an ninh và tạo điều kiện tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung. Đây sẽ là RAA đầu tiên của Nhật Bản với một thành viên của ASEAN và là hiệp ước thứ ba sau các hiệp ước với Úc và Anh đã có hiệu lực trước đó. Nhật Bản cũng dự kiến tổ chức cuộc họp với các nước ASEAN vào tháng 12-2023 với mục đích tăng cường hợp tác truyền thống trong nhiều lĩnh vực. Sự hợp tác này có liên quan chặt chẽ tới thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đối với các nước ASEAN khác, theo các nhà quan sát, tùy thuộc ở góc độ khác nhau, Nhật Bản cũng đã có những ứng xử hài hòa khác nhau, tận dụng thế mạnh của từng khu vực để tạo sức mạnh tổng hợp. Về vấn đề này, Nhật Bản đã chuẩn bị từ lâu và không cần công khai vai trò của mình mà tập trung vào những việc cần làm cụ thể, có hiệu quả thiết thực.

Giới phân tích khu vực nhận định, chuyến thăm Philippines của ông Kishida cho thấy Nhật Bản ngày càng công khai mong muốn đóng vai trò lớn hơn với tư cách là đối tác an ninh và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khi đó, đối với Philippines, chuyến thăm này mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn về mặt song phương và đa phương với các nước khu vực trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng.

TUYẾT MINH

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202311/dot-pha-hop-tac-an-ninh-nhat-ban-philippines-3959311/