Đột phá lịch sử Zimbabwe: Ba nhân vật quyền lực 'soán ngôi' Mugabe

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe ngày 16/11 đã từ chối từ chức trong một cuộc họp về khủng hoảng hiện tại với các tướng lĩnh quân đội.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe ngày 16/11 đã từ chối từ chức trong một cuộc họp về khủng hoảng hiện tại với các tướng lĩnh quân đội đang nắm quyền kiểm soát đất nước.

Các cuộc đàm phán ở Harare xảy ra sau những ngày hỗn loạn, trong đó, quân đội phong tỏa các con đường, kiểm soát đài truyền hình và quản thúc tại gia những “nguyên lão” cựu chiến binh.

"Họ đã gặp nhau ngày hôm nay, ông ta từ chối từ chức. Tôi nghĩ ông ta đang cố gắng kéo dài thời gian", một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo quân đội Zimbabwe cho hay.

Đoàn xe của ông Mugabe đã đưa ông từ nơi ở riêng tới tòa nhà nghị viện để hội đàm, cùng với sự tham dự của các phái viên từ khối Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC). Theo trang tin tức Herald của nước này, một linh mục Công giáo cũng có mặt.

Ông Mugabe đứng cùng Tư lệnh quân đội Zimbabwe, Tướng Constantino Chiwenga. (Nguồn: AFP)

Truyền hình quốc gia đăng hình ảnh cho thấy ông Mugabe đứng cùng với tổng tư lệnh quân đội – Tướng Constantino Chiwenga khi thực hiện cuộc hội đàm.

Kênh truyền hình quốc gia cũng cho biết, các cuộc đàm phán đang diễn ra và một lễ tốt nghiệp tại một trường đại học có ông Mugabe là hiệu trưởng sẽ tiến hành như dự định vào sáng ngày 17/11 – điều có thể là một tín hiệu cho thấy việc giam giữ ông đã được nới lỏng.

Người dân Zimbabwe đã bị bất ngờ trước sự can thiệp của quân đội chống lại Mugabe, 93 tuổi, người đã lãnh đạo nước này kể từ khi độc lập khỏi Anh năm 1980.

Mặc dù ông Mugabe từ chối từ chức, sự chú ý đang chuyển sang những nhân vật nổi bật có thể đóng vai trò quan trọng trong một chính phủ thời kì chuyển đổi quyền lực.

Thời điểm rất nhạy cảm

Morgan Tsvangirai, cựu thủ tướng và đối thủ lâu năm của Mugabe, nói với các nhà báo ở thủ đô Harare rằng Mugabe phải từ chức "vì lợi ích của người dân" và "một cơ chế chuyển đổi" là cần thiết để đảm bảo sự ổn định.

Tendai Biti, một nhân vật được kính trọng trên bình diện quốc tế, từng là bộ trưởng tài chính trong chính phủ liên hiệp sau cuộc bầu cử năm 2008, gọi đây là "một thời điểm rất nhạy cảm cho Zimbabwe".

Ông nói: "Cần phải có một giải pháp để duy trì sự ổn định. Việc khôi phục ổn định đòi hỏi một lộ trình và giải quyết những bất bình dẫn đến tình trạng này".

Khi tuổi tác của ông Mugabe càng lớn, tình trạng sức khỏe kém và lối sống xa hoa đã dấy lên một cuộc “xung đột” cay đắng giữa vợ ông là bà Grace và cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người bị ông Mugabe cách chức tuần trước.

Mnangagwa, 75 tuổi, trước đây là một trong những trung úy trung thành của Mugabe và đã làm việc cùng ông trong nhiều thập kỷ. Sau khi bị cách chức, Mnangagwa đã đi tới Nam Phi và công bố một bài viết 5 trang chỉ trích gay gắt sự lãnh đạo của Mugabe và những tham vọng về chức vụ tổng thống của bà Grace.

Các tướng lĩnh cũng đã mạnh mẽ phản đối quyền lực đang lên của Grace Mugabe và trong khi ông Mnangagwa vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với quân đội thì hiện tại, ông có nhiều khả năng sẽ trở thành tổng thống kế tiếp.

Lối thoát cho Zimbabwe

Nhà phân tích chính trị Earnest Mudzengi nói với AFP: "Người dân muốn hiến pháp được duy trì. Các cuộc đàm phán nên xem xét cách giải quyết vấn đề Mugabe một cách tiến bộ.

Eldred Masunungure, một giảng viên tại Đại học Zimbabwe, nói thêm rằng việc hình thành một "liên minh tiền bầu cử" có thể là một động thái khả thi đối với cuộc khủng hoảng.

Nhiều người dân Zimbabwe hy vọng tình hình hiện nay sẽ mở đường cho một tương lai thịnh vượng hơn.

Keresenzia Moyo, 65 tuổi, nói: "Chúng tôi cần sự thay đổi. Tình hình của chúng tôi thật thảm hại. Nền kinh tế đã ở tình trạng ảm đạm trong một thời gian rất dài. Chúng tôi rất vui với những gì vừa được thực hiện".

Người dân tại Harare vẫn tiếp tục đi làm, hội họp và làm việc.

Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng.

Tại Paris, người đứng đầu Liên minh Châu Phi, Tổng thống Guinea Alpha Conde, đã cảnh báo hôm thứ Năm rằng lục địa này "sẽ không bao giờ chấp nhận một cuộc đảo chính quân sự ở Zimbabwe và kêu gọi khôi phục lại" trật tự hiến pháp ".

"(Các vấn đề) cần phải được giải quyết theo con đường chính trị do đảng ZANU-PF thực hiện thay vì sự can thiệp của quân đội", Conde nói thêm.

Một cuộc họp của SADC ở Botswana ngày 16/11 kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh khu vực khẩn cấp để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.

Khối này kêu gọi Zimbabwe "giải quyết những thách thức chính trị thông qua các phương pháp hòa bình".

Anh, từng thống trị Zimbabwe trước đây, yêu cầu các cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2018 sẽ tiếp tục.

Tờ Nhật báo Herald trong ngày 16/11 cũng có một bài xã luận thể hiện sự thân cận với Mugabe, tuy nhiên, cũng ủng hộ hành động của quân đội.

"Quân đội không dễ dàng can thiệp ... họ đã phải phá vỡ truyền thống lâu đời này," tờ báo cho hay, và nói thêm rằng ZANU-PF "đang bị nhiễm độc bởi những người đáng ra cần sát cánh giúp đỡ Tổng thống".

(Theo AFP)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/dot-pha-lich-su-zimbabwe-ba-nhan-vat-quyen-luc-soan-ngoi-mugabe-263855.html