Đột phá mới trong nghiên cứu vũ trụ: Dấu hiệu sự sống trên vệ tinh Titan

Ngày 19/10, các nhà khoa học của NASA đã công bố bản đồ địa chất đầu tiên về vệ tinh Titan của Sao Thổ, với nhiều đồng bằng và đụn gò gồm các chất hữu cơ đã đóng băng và nhiều hồ chứa methane dạng lỏng, làm sáng tỏ một thế giới mới lạ được xem là một ứng cử viên 'sáng giá' để nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất.

Hình ảnh Sao Thổ (lớn) và vệ tinh Titan do tàu vũ trụ Cassini của NASA chụp ngày 31/8/2012 Ảnh: AFP/TTXVN.

Hình ảnh Sao Thổ (lớn) và vệ tinh Titan do tàu vũ trụ Cassini của NASA chụp ngày 31/8/2012 Ảnh: AFP/TTXVN.

Bản đồ địa chất này được công bố trên nhật báo Natura Astronomy, dựa trên các dữ liệu radar, hồng ngoại và các dữ liệu khác do tàu không gian Cassini của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập. Tàu này đã tiến hành nghiên cứu Sao Thổ và các vệ tinh của nó từ năm 2004.

Để có kết quả đó là cả một quá trình công phu và tốn kém, với khát vọng khám phá vũ trụ phục vụ cho cuộc sống con người. Nói cách khác, con người đã có hy vọng khi tìm cho mình “vùng đất mới” khi mà Trái Đất ngày một bất ổn- theo nhà địa chất hành tinh Rosaly Lopes (thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA).

Với đường kính 5.150km, Titan là vệ tinh lớn thứ hai trong hệ Mặt Trời, sau vệ tinh Ganymede của Sao Mộc, và lớn hơn cả Sao Thủy. Titan cũng là vệ tinh duy nhất được biết có một khí quyển đặc và là vật thể duy nhất, trừ Trái Đất, có bằng chứng rõ ràng về các vật thể nước bề mặt ổn định. Đáng chú ý, các vật chất hữu cơ - có thành phần carbon vốn đặc biệt quan trọng để sinh vật sống phát triển - đóng một vai trò hàng đầu trên Titan.

Vẫn theo Rosaly Lopes, các chất hữu cơ rất quan trọng đối với sự sống trên Titan, mà giới khoa học cho rằng có thể chứa cả đại dương nước dạng lỏng bên dưới lớp mặt đóng băng cứng. Trong khi chất hữu cơ có thể thấm vào đại dương nước lỏng và tạo ra dưỡng chất cần thiết cho sự sống, nếu nó tồn tại ở Titan.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các vùng đồng bằng (chiếm khoảng 65% diện tích bề mặt Titan) và các đụn, gò (chiếm 17%) tạo ra những mảng methane đóng băng hoặc những mảng hydrocarbon khác có rất nhiều ở độ cao trung bình và khu vực xích đạo. Các khu vực trung du và miền núi, được cho là những phần cứng của nước đóng băng, chiếm 14% bề mặt Titan.

Từ lâu, Sao Thổ đã là điểm đến của nhiều nghiên cứu không gian, bởi những vệ tinh xung quanh nó cho thấy rất có thể có sự sống. Chí ít là cho tới nay, người ta đã tìm thấy 20 “Mặt Trăng” quanh Sao Thổ khiến vành đai của hành tinh này có số lượng “Mặt Trăng” lớn hơn tất cả các thiên thể khác trong Thái Dương hệ- nhận xét của Liên minh Thiên văn quốc tế. Phát hiện này cho thấy Sao Thổ đang có tất cả 82 “Mặt Trăng”, trong khi Sao Mộc đứng thứ 2 với 79 “Mặt Trăng”.

Các “Mặt Trăng” của Sao Thổ có kích cỡ tương đương nhau, với đường kính khoảng gần 5km. Tuy nhiên 17 trong số 20 “Mặt Trăng” mới được phát hiện đó có quỹ đạo ngược, nghĩa là chúng xoay ngược chiều so với quỹ đạo của Sao Thổ và các “Mặt Trăng” khác.

Phát hiện mới này thuộc về nhà thiên văn học Scott Sheppard và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Carnegie, khi sử dụng kính viễn vọng Subaru ở Hawaii để định vị các “Mặt Trăng” mới. Năm 2018, Sheppard và nhóm của ông đã tìm ra 12 “Mặt Trăng” quanh Sao Mộc, trong đó một “Mặt Trăng” có quỹ đạo ngược.

“Thông qua việc sử dụng một trong những chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới, chúng tôi đang dần hoàn thiện bản đồ “Mặt Trăng” quanh các hành tinh khổng lồ”- Sheppard nói và cho rằng chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Thái Dương hệ.

Tới nay, công cuộc khám phá vũ trụ, cụ thể là sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên vệ tinh Titan đã thu được nhiều kết quả khả quan. Cuối tháng 6 vừa qua, giới khoa học đã cho rằng Titan là vệ tinh duy nhất được xác định giống với Trái Đất, có hồ, sông và biển trên bề mặt. Tuy nhiên lúc đó người ta cho rằng các hồ, sông và biển này lại chứa hydrocarbon như metan và etan, mà không phải nước. Nhưng tới nay, với những kết quả nghiên cứu mới, người ta cho rằng hoàn toàn có thể có nước trên vệ tinh Titan.

Titan nằm cách Mặt Trời khoảng 1,4 tỷ km với nhiệt độ bề mặt vào khoảng -179 độ C và áp suất trên bề mặt vệ tinh này cao hơn 50% so với Trái Đất.

Thế Tuấn (theo Science News)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-nghe/dot-pha-moi-trong-nghien-cuu-vu-tru-dau-hieu-su-song-tren-ve-tinh-titan-tintuc452849