Đột phá về hiệu quả quản lý thị trường

Sau hơn hai năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chứng minh được hiệu quả xuyên suốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

Tiếp tục tinh gọn bộ máy, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là những giải pháp quan trọng đang được lực lượng QLTT nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thay đổi theo hướng chuyên nghiệp

Ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Từ đó, tổng cục được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Đáng chú ý, hoạt động theo mô hình mới, bộ máy tổng cục ở Trung ương được tổ chức tinh gọn, chỉ còn 4 vụ, 1 văn phòng, 1 cục nghiệp vụ, 63 cục QLTT địa phương. Ở cấp cục địa phương không còn cấp chi cục mà chỉ còn các phòng, đội trực thuộc. Các đội QLTT được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện. Tính đến nay, từ 681 đội QLTT khi mới tiếp nhận từ các địa phương, đã giảm 234 đội QLTT và sẽ tiếp tục giảm 71 đội trong năm 2020 xuống còn 376 đội QLTT (giảm 45%) theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Tổng cục QLTT.

 Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội thu giữ lượng lớn quần áo giả mạo các nhãn hiệu lớn được bảo hộ.

Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội thu giữ lượng lớn quần áo giả mạo các nhãn hiệu lớn được bảo hộ.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, thực tế hai năm qua cho thấy, việc giảm các đơn vị thuộc cấp tổng cục, cấp cục và tinh giản hàng trăm đội QLTT cấp huyện không những không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa mà còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đủ sức "đánh" vào những tổ chức đã thành hệ thống, những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả. Sau hai năm hoạt động, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý gần 150.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước ước hơn 1.100 tỷ đồng.

Có thể thấy, thời gian qua, hàng loạt vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả số lượng lớn được lực lượng QLTT trên cả nước triệt phá, góp phần ổn định thị trường. Còn nhớ, những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và có diễn biến phức tạp, trên thị trường đã xảy ra tình trạng thu gom, tăng giá mặt hàng khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng. Nghiêm trọng hơn, nhiều đối tượng đã thu gom khẩu trang, găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động để tái chế quay vòng lại thị trường tiêu thụ. Khẩn trương triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, lực lượng QLTT tại 63 tỉnh, thành phố đồng loạt ra quân xử lý các cửa hàng đầu cơ, tăng giá bán khẩu trang, góp phần bình ổn thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã bị lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Điển hình là vụ xử lý tổng kho buôn lậu rộng hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai; các trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái (Quảng Ninh), Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Ninh Hiệp (Hà Nội)...

Ứng dụng công nghệ để quản lý hiệu quả

Mặc dù đạt kết quả nhất định, song lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng, chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành... nên gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội hiện nay có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trước tình hình đó, Tổng cục QLTT không chỉ kiện toàn lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả mà lực lượng QLTT đã chuyển mình mạnh mẽ bằng việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, từng bước số hóa công tác QLTT.

Để xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, ngay từ năm 2019, tổng cục đã đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cơ sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; cơ sở dữ liệu và thống kê xử phạt hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu (tổng cục và 63 cục địa phương)... “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã tạo sự đột phá trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của tổng cục. Công tác chỉ đạo, điều hành của tổng cục được thực hiện 100% trên môi trường điện tử, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Giai đoạn 2020-2021, Tổng cục QLTT tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng... Hoạt động này góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dot-pha-ve-hieu-qua-quan-ly-thi-truong-644386