Đốt rác tự phát làm phát sinh khí thải độc hại vào môi trường

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, TP Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng.

Tình trạng đốt rác thải sinh hoạt và đốt các phụ phẩm nông nghiệp đang là tác nhân gây nên cháy nổ, làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí, bên cạnh nguồn khí thải từ công nghiệp và hoạt động giao thông. Đốt rác thải sinh hoạt và các phụ phẩm nông nghiệp không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô.

Cùng với đó, tình trạng đốt rác thải bao gồm các loại vật liệu xây dựng, rác thải trong ngành may, rác thải sinh hoạt... vẫn diễn ra nhiều nơi xung quanh các quận nội thành cũng như khu vực ngoại thành. Những khu vực đất trống bị người dân đổ rác không đúng nơi quy định và người dân xử lý bằng cách đốt tại chỗ, vào những dịp cuối năm tình trạng trên xảy ra nhiều hơn.

Đốt rác tự phát tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm. Ảnh: Minh Phong

Đốt rác tự phát tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm. Ảnh: Minh Phong

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rác nên vẫn còn hiện tượng đốt tự phát. Đồng thời, thiếu chế tài xử phạt và cơ chế giám sát hiệu quả...

Không ít ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, để quản lý, giám sát tốt hơn hành vi đốt rác tự phát của người dân, bên cạnh việc đẩy mạnh quán triệt, phổ biến quy định pháp luật, các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cần thực hiện hoạt động giám sát cộng đồng, để người dân giám sát lẫn nhau và phản ánh những vi phạm tới cơ quan chức năng.

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hành động một số người dân, đơn vị thu gom rác tại chỗ chọn giải pháp đốt là vi phạm quy định trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, gây ảnh hưởng đến môi trường công cộng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của mọi người xung quanh.

Tình trạng đốt rác thải sinh hoạt là một trong những tác nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí, bên cạnh nguồn khí thải từ việc đốt các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và hoạt động giao thông.

Ông Thái cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số đơn vị chưa đủ để thu gom chuyển về đơn vị tập trung, do mức xử phạt hiện nay đối với cá nhân và Cty thu gom rác chưa đủ sức răn đe.

Cụ thể, mức thấp nhất là phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000kg và cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 100.000 kg trở lên…

Tuy nhiên, mức phạt trên chưa góp phần giải quyết triệt để các vi phạm, trong thời gian tới, những nội dung này sẽ được chỉnh sửa. Riêng trên địa bàn Hà Nội, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, tham mưu UBND TP để đưa ra những chính sách thiết thực, có hiệu lực, hiệu quả hơn, đặc biệt phải nâng cao ý thức của người dân.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dot-rac-tu-phat-lam-phat-sinh-khi-thai-doc-hai-vao-moi-truong-221262.html